Tiềm năng phát triển lớn

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trao đổi tại Hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” ngày 19/12 tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá trong một thập niên qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển, bùng nổ công nghệ số làm thay đổi mạnh mẽ cách thức vận hành của hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng như thói quen và hành vi của con người. Ngành tài chính ngân hàng cũng không ngoại lệ.

Sự phát triển nhanh chóng của CNTT hiện nay đang hình thành nên ngân hàng số - xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ tương lai, mang đến những cơ hội mới cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng cũng đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các nhà quản lý.

Trên thế giới, khái niệm ngân hàng số đã dần trở nên phổ biến với khá nhiều chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế nghiên cứu về lĩnh vực này, xoay quanh các khái niệm ngân hàng 3.0, digital bank, digital transformation.

Các nghiên cứu đều chung nhận định về xu hướng phát triển ngân hàng số - được coi là tương lai của ngân hàng trong kỷ nguyên số với những thay đổi trong hành vi của khách hàng khi mà các phát minh trong lĩnh vực công nghệ thông tin như thiết bị di động thông minh, mạng xã hội, điện toán đám mây đã thay đổi hành vi con người và xã hội loài người, thu hẹp khoảng cách, thúc đẩy kết nối và giao lưu văn hóa, kinh tế một cách nhanh chóng và toàn diện.

Mặc dù đã xuất hiện trên thế giới từ năm 2010, tuy nhiên, ngân hàng số là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Với sự phát triển như vũ bão của CNTT và làn sóng số hóa phát triển mạnh mẽ, ngân hàng số có nhiều tiềm năng sẽ trở thành mô hình kinh doanh chủ đạo của các NHTM tại Việt Nam trong tương lai.

Theo thống kê của Công ty We are Social, thời điểm tháng 1/2016, Việt Nam có 47,3 triệu người dùng internet (chiếm 50% dân số), có 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (29 triệu người sử dụng mobile) có 143 triệu điện thoại (chiếm 152% dân số).

Người trưởng thành 55% sử dụng smartphone, 46% có máy tính, 12% có máy tính bảng. Thời gian truy cập Internet hàng ngày qua máy tính 4h39 phút, qua mobile phone 2h25 phút, truy cập mạng xã hội qua các thiết bị khác nhau 2h18 phút. Có 78% người sử dụng Internet sử dụng Internet hàng ngày.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015 tại Việt Nam, tỷ lệ số đăng ký sử dụng Internet trên 100 dân là 48,3%, tỷ lệ số điện thoại trên 100 dân là 147%.

Đánh giá của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015 cho thấy Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có 52% dân số dùng internet, tỷ lệ khách hàng của các hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng số như mobile, internet banking chiếm khoảng 44%.

Từ thống kê trên, có thể thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển ngân hàng số. Tuy nhiên, ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác biệt, rất mới so với mô hình ngân hàng truyền thống từ phương thức thiết kế sản phẩm, chính sách, quy trình sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng… Chính vì vậy, nền tảng khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của ngân hàng số sẽ rất quan trọng.

Về khung khổ pháp lý tại Việt Nam, vấn đề liên quan tới các dịch vụ ngân hàng số (văn bản điện tử, chữ ký số, an ninh bảo mật...) vẫn còn chưa thật sự thuận lợi. Cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh...

Khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý

Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, hiện nay việc số hóa ngân hàng mới tập trung vào các khâu chuyển tiền, thanh toán…

Khi Vietcombank phát triển ngân hàng số (Vietcombank Digital Lab) thì cái khó trước tiên là Việt Nam chưa có một mô hình nào để tham khảo, ngân hàng chỉ thông qua tư vấn, mà tư vấn mỗi nơi nói một khác.

Tiếp đó là khó khăn về trang thiết bị, công nghệ chưa theo kịp. “Yêu cầu của chúng tôi đặt ra là làm sao có thể nhận diện được khuôn mặt (face ID) một cách chính xác, nhưng không hãng công ghệ nào cam kết được. Rồi thì hệ thống trợ lý, tương tác với nhân viên ngân hàng từ xa không đáp ứng yêu cầu Vietcombank...” – ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Đại diện Vietcombank cũng cho rằng, thói quen của khách hàng Việt vẫn có tâm lý đến ngân hàng muốn gặp giao dịch viên để được tư vấn hơn là đối diện với một cái máy.

Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thẳng thắn chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay làm ngân hàng số rất tốn kém, bản thân TPBank không kỳ vọng nhiều vào lợi nhuận được từ chính các dịch vụ của ngân hàng số, nhưng chính các dịch vụ ngân hàng số giúp mang đến nhiều dịch vụ mới cho khách hàng, giúp khách hàng có những trải nghiệm mới, giữ chân khách hàng, tiếp cận được nhiều nhiều khách hàng hơn ở không gian không bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý, địa lý...

“Tuy nhiên, cuộc chơi về ngân hàng số vẫn chưa thật sự công bằng khi các ngân hàng phải đi theo hành lang chặt chẽ, ngặt nghèo về thủ tục, trong khi nhiều đơn vị khác lại khá thoải mái, hoàn toàn được làm cái gì không bị cấm", ông Nguyễn Hưng nói.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học, các nhà quản lý, chuyên gia cần tập trung giải quyết 3 vấn đề.

Đó là, trước tiên, đó là chỉ rõ những khoảng trống về mặt pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân; phòng chống gian lận trong kinh doanh...

Trong đó, chú ý đến vấn đề về xác thực khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số (eKYC/digital KYC); tính pháp lý của văn bản số và chữ ký số trong thời đại ngân hàng số; giám sát các hoạt động ngân hàng và phòng chống rửa tiền. 

Cơ quan quản lý tập trung hoàn thiện quy định nhà nước về an ninh, an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin, tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ, đẩy mạnh truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cẩn trọng ở khách hàng.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và cơ quan Công an điều tra làm rõ nguyên nhân, hành vi gian lận, cảnh báo tổ chức tín dụng và người sử dụng để nâng tính bảo mật. Về phía các NHTM cũng như các công ty Fintech Việt, cần có chiến lược, bước đi, giải pháp như thế nào để theo kịp sự bùng nổ của thị trường dịch vụ tài chính số để không tụt hậu, không thua trên sân nhà.

Đại diện các ngân hàng cho rằng, trước mắt cần nhanh chóng sửa đổi quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật phòng chống rửa tiền và các hướng dẫn liên quan để cho phép mở tài khoản không bắt buộc phải trực tiếp; áp dụng thực tiễn thông lệ quốc tế về nhận biết khách hàng, đảm bảo vẫn nhận diện, xác thực chính xác khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ mới (sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo); kết nối chia sẻ dữ liệu giữa ngành ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc quy định phân loại tài khoản theo cấp độ với hạn mức giao dịch và phạm vi sử dụng khác nhau…