Ngân hàng phải cảnh báo thủ đoạn trộm tiền ATM ngay tại cây ATM | Ngân hàng phải cảnh báo ngay tại cây ATM về các thủ đoạn trộm tiền từ ATM

Thông tư 44 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/2/2019 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 44 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (ATM).

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc trước ngày triển khai, lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM, các ngân hàng phải thông báo cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là chi nhánh NHNN) trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM theo Mẫu số 1 (đối với ATM) hoặc theo Mẫu số 2 (đối với ATM lưu động) ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc trước ngày triển khai, lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM khác địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM, ngân hàng phải thông báo cho chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh trực tiếp quản lý ATM theo Mẫu số 1 (với ATM) hoặc theo Mẫu số 2 (với ATM lưu động) ban hành kèm theo Thông tư này.

Các ngân hàng cũng có trách nhiệm bố trí lực lượng trực để kịp thời phát hiện, khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động. Trường hợp ATM ngừng (hoặc dự kiến ngừng) hoạt động quá 24 giờ, ngân hàng phải báo cáo theo quy định của NHNN về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thông báo rộng rãi cho khách hàng trong ngày làm việc tiếp theo kể từ khi phát sinh ATM ngừng (hoặc dự kiến ngừng) hoạt động quá 24 giờ.

Đặc biệt, theo quy định mới được sửa đổi, bổ sung, bên cạnh yêu cầu tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, các ngân hàng còn được NHNN yêu cầu phải cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan công an, chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi triển khai, lắp đặt ATM và các tổ chức liên quan trong việc đảm bảo ATM hoạt động an toàn, thông suốt; phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động ATM và điều tra, xử lý khi phát hiện tội phạm công nghệ cao, trộm cắp, cướp, phá hoại ATM.

Đồng thời, các ngân hàng có trách nhiệm phải thường xuyên cập nhật, thông báo các thủ đoạn trộm cắp tiền từ ATM và hướng dẫn khách hàng biện pháp giao dịch an toàn tại ATM như niêm yết tại nơi đặt ATM, trên màn hình ATM hoặc các hình thức khác.

Thông tư 44 mới được NHNN ban hành cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đặt ATM, bao gồm: Kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động ATM trên địa bàn; định kỳ hoặc đột xuất lựa chọn kiểm tra một số ATM trên địa bàn, lập biên bản kiểm tra ATM theo nội dung hướng dẫn tại Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

Phối hợp, trao đổi thông tin với chi nhánh NHNN trên địa bàn nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM về việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các ATM triển khai, lắp đặt khác địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tiếp quản lý ATM; Phản ánh kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc, sự cố phát sinh về NHNN (qua Vụ Thanh toán) để phối hợp xử lý.

Thông tư 44 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 ngày 28/12/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/2/2019.