Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ trong buổi tọa đàm về chính sách cho Fintech tổ chức sáng nay, 20/8/2019. |
Chia sẻ thông tin trong buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech” do Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietNamNet tổ chức, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Fintech không chỉ là các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, tại Việt Nam theo quy định pháp lý thì còn có tên gọi là các trung gian thanh toán. Fintech tại Việt Nam chia thành 10 lĩnh vực khác nhau và thanh toán là 1 trong số đó.
Theo đánh giá của ông Nghiêm Thanh Sơn, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số và sự phát triển của thương mại điện tử.
Cụ thể, theo thống kê, nước ta có số 96,2 triệu dân. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính, chiếm 63% dân số. Điều này cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra tại Quyết định 2545 về thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng có thể đạt đến con số 70% như mục tiêu phấn đấu.
Một "bệ đỡ" nữa cho các doanh nghiệp Fintech đó là nền thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Theo con số được ông Sơn chia sẻ, trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua mobile banking tăng trưởng 160%, trong khi tỷ lệ ở các nước trong khu vực chỉ ở mức 60 - 80%. Nó thể hiện rằng tỉ lệ sử dụng Internet và điện thoại di động tại Việt Nam rất cao. "Đây là một trong những lợi thế để các doanh nghiệp Fintech phát triển", ông Sơn đánh giá.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, quản lý Fintech không chỉ là quản lý các doanh nghiệp trung gian thanh toán mà cả các doanh nghiệp công nghệ tài chính khác ví dụ như cung cấp công nghệ hạ tầng blockchain hay các giải pháp liên quan đến AI, Bigdata cũng như quản lý tài chính cá nhân…
Nhận định về sự phát triển của Fintech Việt Nam trong 5 năm tới, ông Nghiêm Thanh Sơn cho rằng thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định. "Doanh nghiệp mới được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ ra đi. Đây cũng là những quy luật của thị trường. Nhưng nhìn vào các diễn biến hiện nay tôi cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (là các doanh nghiệp được định danh trên 1 tỷ USD). Hi vọng trong 5 năm tới các doanh nghiệp đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn".
"Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh", ông Nghiêm Thanh Sơn nói thêm.