Thủ đoạn đơn giản nhưng người dân vẫn bị lừa
Một ngày cuối tháng 7/2020, Công an phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiếp nhận thông tin từ chi nhánh một ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) về việc nhân viên cơ sở tín dụng này đang tiếp một khách hàng có những biệu hiện rất đáng chú ý. Một cụ bà tuổi cao, ôm theo chiếc túi to yêu cầu chuyển hơn nửa tỷ đồng vào một tài khoản của ngân hàng khác.
Dù nhân viên ngân hàng khéo gợi hỏi một số thông tin từ cụ bà như: "Chủ tài khoản nhận tiền có phải là người thân của cụ không? Vì sao cụ bà đi một mình đến ngân hàng?... Song "vị khách" một mực lắc đầu không trả lời. Khi đếm tiền hai tay cụ còn run run.
Những dấu hiệu này khiến nhân viên giao dịch cảnh giác liên hệ ngay đến Cơ quan công an phường Phạm Đình Hổ. Sau khi lực lượng chức năng có mặt và trao đổi thông tin về loại tội phạm lừa đảo qua hình thức gọi điện mạo danh cơ quan chức năng, bà cụ mới quyết định tạm dừng việc gửi tiền.
Với thủ đoạn đơn giản, giống nhau nhưng nhiều người dân vẫn "sập bẫy" thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm. |
Khi đã bình tĩnh, cụ bà cho biết mình là Hoàng Thị T. (80 tuổi, thường trú tại phố Tăng Bạt Hổ, phường Ngô Thì Nhậm) mới kể lại. Bà T. cho biết, sáng 30/7, bà nhận được vài cuộc gọi liên tiếp từ người lạ, những người này lần lượt giới thiệu là nhân viên bưu điện, sau đó đến một "cán bộ Công an Hà Nội".
Những người này tuyên bố người nhà cụ T. đang liên quan đến vụ án ma túy và phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để chứng minh vô tội. Lo lắng cho người thân, cụ T. tất tả vay mượn, rút tiền tiết kiệm và ngay chiều hôm sau đã gom đủ 600 triệu đồng rồi thuê "xe ôm" chở đến phòng giao dịch ngân hàng trên phố Ngô Thì Nhậm với ý định chuyển hết tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu.
Rất may, những biểu hiện lo lắng bất thường của cụ T. đã được nhân viên ngân hàng nhận biết và thông báo đến Công an phường Phạm Đình Hổ để xác minh, ngăn chặn...
Tương tự cụ T., ngày 14/9, một phụ nữ sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng bị rút sạch 13 tỷ đồng chỉ sau một cuộc điện thoại.
Theo trình báo, trước đó nạn nhân có nhận một cuộc điện thoại của người tự nhận là nhân viên của một cơ quan tư pháp. Theo lời người ở đầu dây bên kia, bà có liên quan đến một vụ án lớn do cơ quan này điều tra. Hoảng sợ, người phụ nữ đã ra ngân hàng lập 2 tài khoản khác, đồng thời chuyển lần lượt 13 tỷ đồng vào tài khoản mới như đối tượng hướng dẫn.
Đối tượng còn yêu cầu bà cung cấp mã OTP để phong tỏa tài khoản trên. Sau khi chuyển mã OTP tài khoản, chỉ trong ít phút, số tiền 13 tỷ đồng nạn nhân đã chuyển vào đây đã bị các đối tượng rút sạch. Đến lúc này, người phụ nữ mới biết mình bị lừa và đến Cơ quan Công an trình báo.
Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
Tổng hợp từ Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã tiếp nhận trình báo và đơn tố giác tội phạm của 776 vụ với số tiền lừa đảo lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó, phần lớn các thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, thanh tra, tòa án, bưu điện đe dọa các nạn nhân và chiếm đoạt tài sản có xu hướng gia tăng, chiếm khoảng 65% số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Các vụ lừa đảo này tập trung nhiều nhất tại hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ riêng phòng cảnh sát hình sự công an TP.Hà Nội đã tiếp nhận gần đơn trình báo của gần 100 nạn nhân. Gần đây nhất là trường hợp một phụ nữ bị lừa đảo số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Trưởng phòng 6 Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) khuyến cáo: "Mỗi người cần phải hết sức chú ý cảnh giác với hành vi của các đối tượng, đặc biệt là những đối tượng có yêu cầu cài các ứng dụng lên điện thoại thông minh theo đường link mà đối tượng gửi. Bộ Công an không có ứng dụng nào yêu cầu công dân phải đăng kí, đăng nhập và khai báo thông tin liên quan đến tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng".
Các đối tượng gửi hình ảnh đe dọa, sau đó gọi điện thoại rất nhiều làm cho bị hại hoang mang. (Ảnh minh hoạ) |
Theo Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, gần đây xuất hiện thêm một cách thức là các đối tượng yêu cầu bị hại tự mở các tài khoản mang tên mình ở ngân hàng nhưng lại đăng kí dịch vụ intenet banking và nhận mã OTP bằng số điện thoại do đối tượng cung cấp. Chính vì thế, khi bị hại mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản đứng tên mình ở ngân hàng thì bị hại rất yên tâm. Tuy nhiên, ngay sau đó thì các khoản tiền này đã bị chuyển đi nơi khác bằng việc các đối tượng sử dụng dịch vụ intenet banking với số điện thoại nhận OTP chúng cung cấp cho các bị hại.
Một đặc điểm nữa mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích là để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo được cho cơ quan công an.
Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng đã dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo. Các bị hại đa phần thường là phụ nữ và người trên 60 tuổi, nhưng cá biệt có người là cán bộ của các cơ quan Nhà nước... Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, không biết tại sao bị mất tiền, hoặc lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Cũng theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, sau khi nhận được tiền lừa đảo các đối tượng tội phạm thường dùng tiền để mua các loại tiền ảo nhằm thực hiện hành vi rửa tiền.
(Theo Dân Việt)