Ngân hàng báo cáo danh sách cổ đông theo quy định
Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, một số ngân hàng đã thực hiện niêm yết danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trở thành ngân hàng đầu tiên thực hiện quy định này. Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của nhà băng này gồm 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức.
Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng và những người liên quan hiện nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhất, chiếm 33,648%.
Ngoài 13 cổ đông cá nhân, danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của VPBank còn có 4 cổ đông tổ chức, bao gồm: S.M.B.C (15,0052%); CTCP D.C (4,3957%); C.C.M.F (2,7301%) và V.E.I.L (1,2839%).
Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, tỷ lệ sở hữu của cổ đông là tổ chức trong ngân hàng (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) tối đa 10% (quy định cũ là 15%); cổ đông và người có liên quan sở hữu tối đa 15% cổ phần (luật cũ là 20%). |
Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ. Danh sách này gồm 13 cổ đông, trong đó có 6 cá nhân và 7 tổ chức nắm giữ 1,84 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 52,265% ngân hàng.
Theo danh sách công bố, 4 quỹ ngoại gồm Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore sở hữu hơn 1% và Morgan Stanley & Co. International Plc 1,45%; COG Investment I B.V và người liên quan nắm 7,9%; Vesta VN Investments B.V và người liên quan nắm 7,9%; Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và người liên quan nắm 15,2% vốn ngân hàng này.
Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Mapleleaf chuyên về tư vấn định cư sở hữu lên tới 4,96% vốn nhà băng.
Một số cá nhân nắm giữ trên 1% vốn có liên quan của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, và các thành viên trong gia đình.
Cụ thể, vợ của chủ tịch Techcombank nắm giữ gần 5%, và người thuộc diện có liên quan của bà, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, sở hữu hơn 980 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 27,8% ngân hàng. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank nắm giữ hơn 1,1% vốn điều lệ. Ba người con của ông nắm giữ gần 12% cổ phần.
Còn theo danh sách vừa được Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố, có 3 cổ đông tổ chức và 2 cổ đông cá nhân đang sở hữu từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 4,9% vốn điều lệ. Tiếp đến là CTCP Chứng khoán VIX nắm giữ 3,58% vốn điều lệ và CTCP Thắng Phương nắm giữ 3,07%.
Hai cổ đông cá nhân có trong danh sách công bố là bà Lê Thị Mai Loan (1,03%) và Phó Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú (1,12%).
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng đã công bố danh sách 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ. 9 cổ đông này cùng người liên quan hiện nắm giữ tổng cộng 19,6% vốn điều lệ BVBank.
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó Chủ tịch, hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu gần 4,56%. Tiếp đến là ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc 3,12%.
Chủ tịch HĐQT BVBank Lê Anh Tài sở hữu 2,86% cổ phần. Ông Nguyễn Nhất Nam, Thành viên HĐQT, và người có liên quan nắm hơn 2% vốn. Ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc, và người có liên quan nắm 2,11% vốn ngân hàng.
Ngoài ra, các phó tổng giám đốc và kế toán trưởng của BVBank gồm ông Phan Việt Hải, ông Lê Văn Bé Mười, ông Văn Thành Khánh Linh và Lý Công Nha mỗi người sở hữu khoảng 1-1,5% cổ phần.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng gồm 2 cá nhân và 3 tổ chức.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy là cổ đông cá nhân sở hữu nhiều nhất, 3,427%, trong khi những người có liên quan đến ông Huy sở hữu 8,218%.
Bà Đặng Thu Thuỷ, Thành viên HĐQT đồng thời là mẹ của ông Trần Hùng Huy đang nắm 1,194%. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thuỷ là 10,457%.
3 cổ đông tổ chức trong nước thuộc danh sách phải báo cáo là: CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sơn nắm giữ 2,07%; CTCP Đầu tư Thương mại Vân Môn 1,14%; và CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh 1,44%.
Ngoài ra, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ tổng tỷ lệ sở hữu hơn 6% vốn điều lệ ACB
Cổ đông sở hữu vượt tỷ lệ quy định sẽ ra sao?
Trước đây, các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Tuy nhiên, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ.
Đồng thời, danh sách người có liên quan, đối với cả cá nhân và tổ chức, cũng được mở rộng hơn nhiều so với trước. Luật mới cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Câu hỏi đặt ra là cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được tiếp tục duy trì cổ phần hay không?
Theo khoản 11 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về quy định chuyển tiếp đối với quy định tại Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
“Kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của luật này trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14.”
Như vậy, cổ đông đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.