Ông Đinh Quang Dân, đại diện Agribank đề xuất, để triển khai tốt hơn nữa mô hình thanh toán không tiền mặt nhất là cho vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, ông Dân cho biết phía ngân hàng lại vẫn chịu phí đầu tư hệ thống công nghệ lớn, đặc biệt khi chuyển từ mô hình hạch toán lấy kết quả sau, đối chiếu mới biết, sang trạng thái lệnh tức thì. Một mặt là đầu tư công nghệ, phía ngân hàng đề xuất NAPAS cung cấp các cổng đấu nối cho các nhà cung cấp dịch vụ gián tiếp hoặc trực tiếp. Từ đó, ngân hàng tự phát triển các merchant.
Hiện, NAPAS có hai nhiệm vụ chuyển mạch-chuyển tiền nhanh và thanh toán bù trừ. Để tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp thanh toán bù trừ tại các ngân hàng, quản lý dòng tiền. Đây là một lợi ích đem lại cho các merchant triển khai trên được lợi thế quản lý tài chính, từ đó phát sinh nhu cầu tiền gửi, tiền vay.
Về chuyển tiền định danh cũng như các yêu cầu thanh toán, cần có thêm các hình thức thanh toán khác như: đề xuất trả tiền cho phí, hóa đơn, là phần triển khai thêm lệnh yêu cầu thanh toán, chứ không phải lệnh thanh toán bình thường do khách hàng chủ động chuyển đi.
Đối với vấn đề pháp lý, khi triển khai đến vùng sâu vùng xa đặt ra vấn đề cần quan tâm đó là mô hình đại lý. “Chúng ta kinh doanh số, vẫn cần có KYC. KYC rồi kinh doanh số cho các món nhỏ, đến tầm nào đó chúng ta vẫn phải cần KYC. Như vậy vấn đề đại lý, ở đây có thể hiểu là khâu thu thập hồ sơ, hay khâu dùng dịch vụ thanh toán”, vị này nói.
Khi triển khai, phía Ngân hàng Nhà nước cho phép một cơ chế đưa mô hình đại lý vào. Có thể một đại lý làm đa nhiệm, hay mô hình mã hoá nhiều tầng, đến đơn hàng bóc đơn hàng, đến thanh toán bóc thanh toán. Như vậy từ mô hình đại lý này chúng ta tạo hệ thống thống nhất để cung cấp sản phẩm tốt nhất cho người dân.
Vị này cũng cho rằng, dù có chính sách trích lập dự phòng, xử lý rủi ro, nhưng hiện chưa có cơ chế mang tính chất nguồn xử lý cho các khoản, các giao dịch bất khả kháng, hoặc hệ thống lỗi khi chuyển tiền điện tử. Do đó, nên chăng cho phép có cơ chế xử lý, cũng như cho phép trích lập một phần đem lợi nhuận ấy để xử lý các rủi ro mà chính các giao dịch điện tử của chúng ta đang bùng nổ có thể gây nguy cơ. “Khi chúng ta chắc về hành lang pháp lý, chắc được rằng từ thu nhập ấy, chúng ta có một phần trích lập rủi ro để xử lý các trường hợp biệt lệ, tổn thất đó thì tôi nghĩ là thoả đáng”, ông Dân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch giữa khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn lớn. Ông Tâm cho rằng, vùng đồng bằng hay những khu vực phát triển về kinh tế thì tốc độ tăng cao, còn vùng sâu, vùng xa, vùng núi mức độ thấp hơn. Do đó, cần chia ra phù hợp với giai đoạn phát triển.
Theo ông Tâm, hiện nay tỷ lệ người dân nông thôn sở hữu 1 tài khoản trở lên chiếm tỉ trọng cao nhưng lại chưa chuộng thanh toán không dùng tiền mặt do những lo ngại, trở ngại về mặt tiếp cận với những kỹ thuật mới trong thanh toán. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian bởi việc mở tài khoản thanh toán hay sử dụng ví thanh toán hay mobile money đã rất dễ dàng.
Ông Tâm cũng nhận định rằng, để thúc đẩy mô hình này, các ngân hàng cũng như các thành phần tham gia hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán khác cần có sự vươn mình hơn nữa. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.