Lợi nhuận tăng
Theo báo cáo kết quả kinh doanh đến hết ngày 30/09/2020, ABBANK đạt 924 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Vốn chủ sở hữu đạt trên 8.348 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 93.076 tỷ đồng. Bên cạnh đómdư nợ tín dụng đạt 59.139 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2019 và tăng 4% với đầu năm. Huy động từ khách hàng đến cuối Quý 3 đạt 73.493 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,26% tổng dư nợ, tăng 0,54% so với cuối năm 2019.
Báo cáo của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt mức 1.439 tỷ đồng kế hoạch của cả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2019.
Tương tự như vậy là Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), tính đến hết quý 3/2020, lợi nhuận lũy kế đã vượt mục tiêu cả năm 2020, đạt hơn 1.740 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) quý 3/2020 đạt 1.668 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với quý trước và tăng 52% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kì năm 2019 và đạt 89,4% kế hoạch cả năm.
Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi nhân lợi nhuận trước thuế quý 3/2020 đạt 3.015 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% và thực hiện được 90% kế hoạch năm 2020.
Với các ngân hàng, lợi nhuận chủ yếu vẫn đến từ hoạt động cho vay vốn, chiếm khoảng 75% tổng thu nhập tại 27 ngân hàng trong nửa đầu năm. Cho dù năm nay dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp thì lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của một số ngân hàng tăng trưởng mạnh, thậm chí vượt kế hoạch cả năm 2020. |
Công ty Chứng khoán SSI ước tính, lợi nhuận của một số ngân hàng trong quý 3 năm 2020 tăng. Chẳng hạn, lãi trước thuế tại Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) ước tăng 23%, đạt 2.370 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kì; Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HDBank) dự báo tăng 30%, đạt hơn 1.600 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ước đạt 3.260 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kì năm trước.
Theo SSI, năm 2020 lợi nhuận trước thuế dự báo giảm 15,9% đối với 4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhưng tăng 3,3% đối với các ngân hàng TMCP.
Chờ đợt giảm lãi suất mới
Với nền tảng kinh doanh ổn định và lợi nhuận lớn, trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm sâu thị trường đang chờ 1 đợt giảm lãi suất từ các ngân hàng.
Hiện tại, khách hàng cá nhân tại ABBANK được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9%/năm trong chương trình “Vay ưu đãi – Lãi an tâm” và từ 7%/năm trong chương trình “Vay kinh doanh - phát tài nhanh” dành cho các hộ kinh doanh cá thể.
Trong khi đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh đối với các DNNVV chỉ từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 13/10/2020. Còn với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo sản phẩm Kinh doanh Tài lộc sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đặc biệt ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm,.
Trước đó, Agribank cũng tuyên bố giảm tiếp 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết 30/6/2021. VPBank vừa công bố gói lãi suất cho vay kinh doanh chỉ từ 5,99%/năm, áp dụng từ nay đến hết 31/12/2010 cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình.
Tuy nhiên, đây mới chỉ mới các tín hiệu bước đầu, hiện tại, tham khảo lãi suất cho vay khối doanh nghiệp của một ngân hàng TMCP nhỏ có trụ sở chính tại Hà Nội, áp dụng theo nguyên tắc thả nổi, điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần đối với tất cả các kỳ hạn vay, cho thấy lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng là 9%/năm, 9 tháng là 9,5%/năm và 12 tháng là 9,75%/năm. Lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, tính từ khi vay vốn, sau đó sẽ được điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 1-3%/năm. Tính ra, vay vốn ngắn hạn từ 6-12 tháng, lãi suất vẫn ở mức khoảng trên 10%/năm.
Một số ngân hàng còn lấy lãi suất huy động cao nhất dành cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên để tính lãi vay cho khách hàng. Hiện lãi suất huy động với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên ở mức 8,2%-8,5%/năm, dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến, trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác đã giảm lãi suất huy động xuống thấp.
Chi nhánh của một bệnh viện tại tỉnh Đồng Nai mới đây cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không được ngân hàng giảm lãi suất cho khoản vay cũ. Năm 2018, bệnh viện nay vay từ một ngân hàng TMCP số tiền 16,2 tỷ đồng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất đã tăng từ 8,8%/năm lên 12,2%/năm. Lãi suất được tính dựa trên lãi suất huy động 8,2%/năm với khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ, cộng với biên độ 4%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất các thiết bị điện tại Thanh Trì, Hà Nội phản ánh, lãi vay có giảm nhưng không đáng kể. Chẳng hạn, vay vốn tại một ngân hàng TMCP nhỏ kỳ hạn 6 tháng trước kia là 10,5%/năm, nay giảm còn 9,3%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, sau đó lại thả nổi, tính ra vẫn vào khoảng 10%/năm. Hơn nữa với khoản vay cũ lãi 10,5%/năm, ngân hàng không cho giảm. Không những thế, tài sản thế chấp của danh nghiệp là nhà đất, trước kia ngân hàng còn định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa cho vay khoảng 40% giá trị nên chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn.
Các doanh nghiệp cho biết, phải là khách hàng vay vốn lớn và có mối quan hệ lâu năm với ngân hàng mới được giảm lãi suất cho vay khoảng 2 điểm %/năm, còn lại các doanh nghiệp nhỏ vay vốn lãi suất vẫn cao, chỉ được giảm từ 0,2-1 điểm %/năm. Với kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất cho vay, tại một số ngân hàng ở mức từ 12%/năm trở lên.
Trần Thủy