Chia sẻ tại buổi họp báo hôm nay, 4/4 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Dự báo Tình hình Phát triển Kinh tế Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

“Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này”, ông Andrew Jeffries khẳng định.


Biểu đồ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo dự báo của ADB. 

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2023 do ADB phát hành cho rằng, nhu cầu toàn cầu sụt giảm dự kiến sẽ tác động tới tăng trưởng công nghiệp.

Sản lượng nông nghiệp dự kiến tăng 3,2% do nhu cầu trong nước phục hồi và Trung Quốc mở cửa trở lại, thị trường này chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam.

Lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại từ ngày 15/3. Ngành du lịch và dịch vụ dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay. 


Dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với các nước theo ADB. 

Theo ADB, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023.

Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và tỉnh để giải ngân từ tháng 1/2023. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.   

ADB cho rằng, chính sách giảm lãi suất điều hành bất ngờ trong 3 tháng đầu năm 2023 khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ (với 2 lần giảm lãi suất điều hành).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong năm 2023. (Biểu đồ: M. Hà)

Cũng theo ADB, nền kinh tế của các nước lân cận có sức chống chịu tốt góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam và bù đắp một phần cho kim ngạch xuất khẩu đến các nền kinh tế phát triển thấp hơn. 

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gộp lại là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 cho các sản phẩm của Việt Nam trong năm 2022. Trong khi đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 109,4 tỷ USD.

Theo ADB, trong năm 2022, việc lạm phát gia tăng tiếp tục được kiểm soát bằng chính sách tiền tệ. Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất cơ bản với tổng cộng 200 điểm cơ sở trong nửa cuối năm 2022. Nới biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với USD từ ±3% lên ±5%, với hiệu lực từ ngày 17/10/2022. Tín dụng tăng từ 13,6% năm 2021 lên ước tính 14,2%. 

Chính sách tiền tệ linh hoạt của Việt Nam kết hợp giữa thay đổi lãi suất điều hành, can thiệp ngoại hối và kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã giảm bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài, bao gồm cả sự tăng giá mạnh của đồng USD và lạm phát giá cả toàn cầu. Tăng trưởng cung tiền tệ giảm nhẹ, từ 10,7% năm 2021 xuống mức ước tính 6,2%.