Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ kéo theo các xu hướng giải trí trực tuyến, dẫn tới tình trạng nhiều video có nội dung độc hại tràn lan trên mạng xã hội. Thực trạng này mang lại nhiều hệ lụy cũng như các tình huống đau lòng.
Những video có nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em. |
Giữa tháng 10 vừa qua, thông tin về một bé gái 5 tuổi ở quận Tân Phú, TP.HCM đã mất mạng sau sau khi xem và làm theo video trên YouTube đã khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng làm theo hướng dẫn này nhưng rất may mắn đã được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng.
Không chỉ tại Việt Nam, việc học theo những thử thách tương tự cũng để lại hậu quả nghiêm trọng và cướp đi mạng sống của nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ có sử dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, YouTube. Những sự việc tương tự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khó lường từ các video độc hại đang nhắm tới đối tượng trẻ em.
Không chỉ là các video hướng dẫn cách tự tử hoặc thực hiện những thử thách gây nguy hiểm cho tính mạng, hàng loạt video rác có nội dung độc hại, nhảm nhí khác vẫn liên tục xuất hiện, để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu không được kiểm soát một cách triệt để.
Trên thực tế, đây không phải là tình trạng mới bởi các video độc hại đã len lỏi vào đời sống người trẻ từ lâu, cho đến thời gian gần đây thì biến tướng bởi nạn “câu view” bất chấp và một phần nguyên nhân xuất phát từ tính năng cho phép kiếm tiền trên lượt xem video từ các nền tảng mạng xã hội.
Trước đó, vào tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính các video có nội dung nhảm, độc hại trên mạng xã hội. Tuy nhiên, quy định vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm.
Mới đây, Bộ TT&TT công bố 4 kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, cờ bạc, bạo lực... đã bị Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo và gỡ bỏ. Động thái này được thực hiện sau khi Bộ có văn bản gửi tới Google.
Ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí: "Vừa qua, sau khi đàm phán rất nhiều lần và đi đến thống nhất, chúng tôi bắt đầu gửi 4 kênh, phía bên Google đã đáp ứng và thực hiện cam kết của mình. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ gửi thêm những các kênh khác nữa. Tất cả những kênh nào vi phạm và có dấu hiệu nhảm nhí, tìm cách câu view câu like đều nằm trong tầm ngắm của chúng tôi".
Cũng theo số liệu thống kê mới nhất, YouTube đã gỡ bỏ 173.427 video tại Việt Nam trong quý 3/2020, chủ yếu là do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Trong số này, nhiều video sở hữu hàng chục triệu lượt xem và không ít video có nội dung độc hại, nhảm nhí, gây ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của trẻ em.
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng đã được Bộ TT&TT quan tâm lồng ghép vào trong Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, dự kiến ban hành trong năm 2020. Cụ thể, nội dung của Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em; yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Cùng với đó, Bộ TT&TT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025. Đề án này đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn nhằm phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đề án cũng hướng tới trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng và kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.
Mặc dù nhà chức trách liên tục khuyến cáo, cảnh báo tới người dân cũng như có động thái can thiệp trực tiếp với YouTube, nhưng để kiểm soát nguy cơ từ những video có nội dung gây nguy hiểm cho trẻ em như vậy là chưa đủ. Bởi để ngăn chặn sự ảnh hưởng từ video xấu độc cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, gia đình và xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Chia sẻ với phóng viên ICTnews, chuyên gia tâm lý trẻ em Văn Tùng cho biết :“Bên cạnh việc kiểm soát thông qua giới hạn độ tuổi, nội dung bằng cách sử dụng ứng dụng video dành riêng cho trẻ em, các phụ huynh cần sát sao hơn trong việc tìm hiểu thế giới nội tâm, nhu cầu tâm lý của trẻ để có những biện pháp giáo dục, định hướng kịp thời và phù hợp nhất, giúp trẻ tránh được những nguy cơ, ảnh hưởng từ các video có nội dung độc hại đang bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội hiện nay”.
Phong Vũ
Bà Tân Vlog mất hút trong danh sách 10 YouTuber nổi bật nhất 2020, vì đâu nên nỗi?
Nổi lên như một hiện tượng vào năm 2019 với các video nấu ăn theo phong cách "siêu to khổng lồ", tuy nhiên đến năm 2020, Bà Tân Vlog đã không còn nhiều sức hút.