Thời gian qua, các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để thực hiện khoanh vùng, dập dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi (DTCLP), dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trong đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không giấu dịch; thực hiện báo cáo khi gia súc có triệu chứng bị nhiễm bệnh; không vứt xác gia súc ra môi trường; không mua bán, vận chuyển gia súc bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc… được thông tin liên tục đến từng hộ dân.
Tuy nhiên, ngay giữa lúc tình hình dịch bệnh trên gia súc đang diễn biến phức tạp, khó lường thì một bộ phận người dân, hộ kinh doanh vẫn phớt lờ các khuyến cáo để thực hiện hành vi mua bán, giết mổ gia súc bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc tại các vùng đang có dịch đưa ra thị trường.
Tối ngày 17/4 vừa qua, chính quyền xã Sơn Giang nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân tại nhà ông Dương Xuân Hải ở thôn 2 đang tổ chức giết mổ bò “chui”. Qua kiểm tra, ông Hải khai báo mua bò ở huyện Đức Thọ về làm thịt nhưng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ kiểm dịch động vật. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12/4, Công an huyện Đức Thọ phối hợp Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã phát hiện xe ô tô mang BKS 90C-081.14 do tài xế Phan Văn Long (SN 1989, trú tại huyện Kim Bảng, Hà Nam) điều khiển, chở 50 con lợn giống có trọng lượng 500 kg bị nhiễm bệnh.
Ngày 9/4, tại cơ sở giết mổ tập trung thuộc địa bàn xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh chủ trì phối hợp Công an huyện Lộc Hà phát hiện Đặng Danh Nam (SN 1974, trú thôn Thanh Hòa, xã Phù Lưu) đang dùng xe ô tô tải mang BKS 38C-078.89 vận chuyển 1 con bò đã chết có tổng trọng lượng 400 kg chuẩn bị đưa vào lò giết mổ.
Chính những hành động thiếu ý thức, bất chấp hậu quả của một số người dân, hộ kinh doanh đã làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác khoanh vùng, dập dịch của chính quyền, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng khiến người tiêu dùng ngày càng “quay lưng” với sản phẩm từ thịt động vật.
Theo quy luật cung - cầu của thị trường, khi người tiêu dùng giảm sử dụng, tiểu thương, các lò mổ hạn chế nhập hàng thì chính người chăn nuôi lại càng khốn đốn hơn. Mặc dù theo quy định ở thời điểm này, trước khi xuất bán gia súc, người chăn nuôi phải liên hệ với chính quyền để thực hiện kiểm dịch, đảm bảo vật nuôi không có bệnh trước khi cung cấp ra thị trường; thế nhưng, việc tìm được mối để xuất chuồng cũng rất khó khăn.
Ngoài vấn đề ý thức người chăn nuôi, hộ kinh doanh, qua kiểm soát của ngành chuyên môn cấp tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đang còn nhiều tồn tại, hạn chế như: công tác giám sát dịch bệnh thiếu chặt chẽ, phát hiện, báo cáo dịch chậm; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa đạt yêu cầu; việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia súc còn lơ là…
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, các đơn vị liên quan cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tổ chức, cá nhân việc tuyệt đối không được vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc nghi nhiễm bệnh, bị bệnh, chết.
Cùng đó, các địa phương cấp huyện, xã phải có trách nhiệm tổ chức điều tra, theo dõi xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, trâu, bò với mục đích giết mổ; rà soát liên tục tổng đàn để theo dõi biến động tại cơ sở để nắm tình hình…
Đặc biệt, trong Công điện số 280-CĐ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, nhất là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm để dịch kéo dài, lây lan”.
Là địa phương thực hiện khá tốt công tác kiểm tra, giám sát trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc, ông Lê Văn Thuận – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: “Trong thời gian qua, huyện đã phối hợp với các địa phương và lực lượng công an tăng cường nắm bắt, theo dõi thông tin về hoạt động buôn bán, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn. Qua đó, đã xử phạt 31 trường hợp buôn bán sản phẩm thịt không qua kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc không đủ điều kiện, giấy tờ trong vùng có dịch.
Từ nay đến hết tháng 6, đoàn liên ngành cấp huyện sẽ tổ chức đợt cao điểm ra quân kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ tại lò mổ, chợ dân sinh, điểm kinh doanh nhỏ lẻ, tuyến giao thông… để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để tạo tính răn đe”.
Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y: - Phạt tiền từ 60 - 70% giá trị sản phẩm động vật nhưng không vượt quá 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y. - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy; không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y (Khoản 5, Điều 8) |
Quốc Tiến