Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh nên số lượng ví điện tử, trung gian thanh toán cũng tăng lên nhanh chóng. Một số thương hiệu có thể kể đến như: VNPay, MoMo, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VTC Pay, Payoo, BankPlus…. Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó có hoạt động đánh bạc.
Tháng 1/2023, đã có 2 chuyên án đấu tranh với 2 ổ nhóm đánh bạc trên mã chuyển tiền của ví Momo do Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an tỉnh Bến Tre thực hiện. 20 đối tượng đã bị bắt giữ, số tiền tham gia hơn 2.200 tỷ đồng, số lượng ví Momo đối tượng sử dụng là 5.000 ví.
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn tất điều tra và đề nghị truy tố một số bị can trong đường dây cờ bạc sử dụng mã giao dịch của MoMo với số tiền trong các giao dịch gần 3.000 tỷ đồng. Một thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc...
Trong vụ việc này, MoMo đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang rà soát, cung cấp thông tin về các giao dịch có dấu hiệu vi phạm, giúp cơ quan công an kịp thời phát hiện, truy bắt tội phạm. Sự hợp tác của Công ty chúng tôi đã được đánh giá cao, ngay sau khi công bố kết quả vụ việc Cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang đã gửi thư cảm ơn gửi đến MoMo.
Trong năm 2022, MoMo phối hợp với 318 cơ quan, đơn vị công an trung ương và địa phương, cung cấp thông tin trong hơn 1.500 vụ việc điều tra, được các cơ quan, đơn vị nêu trên đánh giá cao.
Trước đó, từ năm 2021, MoMo đã thực hiện rà soát và thực hiện định danh, xác thực tài khoản ví điện tử theo quy định pháp luật. Khách hàng phải cung cấp thông tin định danh và liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng chính chủ. Đồng thời chỉ được sử dụng ví điện tử khi MoMo được ngân hàng xác nhận thông tin đăng ký ví trùng với thông tin khách hàng đăng ký tại ngân hàng...
Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn có nhiều biện pháp lợi dụng ví điện tử để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật như sử dụng danh tính, giấy tờ và tài khoản ngân hàng thuê, mượn của người dân tạo lập nhiều tài khoản ví điện tử, gây khó khăn cho việc xác minh vi phạm.
Ngăn chặn tội phạm
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví MoMo, để góp phần ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online, MoMo đã đầu tư nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ, cùng với hơn 100 chuyên gia và kỹ sư, với chi phí rất lớn lên đến hàng chục tỷ đồng trong hơn 1 năm từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2023.
"Đây là một vấn đề rất thách thức vì các đối tượng tội phạm dựa vào mã giao dịch chuyển tiền của ví điện tử để đánh bạc, nếu hủy bỏ thì không thể phân biệt các loại giao dịch, không thể thực hiện tra soát giao dịch trên toàn bộ hệ thống" - ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Từ tháng 2/2023, MoMo đã thay đổi quy trình nghiệp vụ, nâng cấp ứng dụng để hiển thị mã giao dịch cho người gửi trước khi họ thực hiện giao dịch, thay vì hiển thị sau như trước đây. Đồng thời, ví đã mua bản quyền và tích hợp công nghệ v-key vào hệ thống để ngăn chặn các đối tượng cờ bạc sử dụng thiết bị giả lập để truy cập vào ứng dụng và quét mã giao dịch tự động nhằm mục đích cá cược.
"Chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan quản lý cho phép các doanh nghiệp trung gian thanh toán, ví điện tử kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý để giúp cho việc định danh điện tử, xác thực thông tin người dùng nhanh chóng và chính xác, góp phần rà soát và ngăn chặn được các tài khoản và giao dịch đáng ngờ, tăng tính hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ" - ông Nguyễn Bá Diệp nói.
MoMo một lần nữa xin khẳng định cam kết của doanh nghiệp trong việc cung cấp, vận hành dịch vụ trung gian thanh toán an toàn, lành mạnh theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dùng, MoMo luôn tuân thủ các quy trình, thủ tục hiện hành trong việc cung cấp thông tin phục vụ cho mục đích điều tra, đảm bảo sự riêng tư và quyền lợi chính đáng của người dùng khi sử dụng dịch vụ hợp pháp.
Hiện Bộ Công an tăng cường phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh xử lý tình trạng sim không chính chủ, tài khoản ngân hàng không chính chủ, ví điện tử không chính chủ để định danh chính xác thông tin người sử dụng, tăng cường các biện pháp xác thực giao dịch như xác thực sinh trắc học; Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung kịp thời các văn bản quy định để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán; Ban hành nghị định quy định để quản lý tiền ảo, tài sản ảo.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác thanh kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng công tác hậu kiểm thực hiện công tác xác thực mở tài khoản, kịp thời rà soát, báo cáo giao dịch bất thường.
Ngành ngân hàng, viễn thông kết nối khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh thông tin cá nhân trong quá trình mở tài khoản, sử dụng các phương thức xác thực giao dịch chính xác, an toàn.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về phương thức thủ đoạn tội phạm và các biện pháp phòng ngừa.