- “Mua đất dự án ở Đà Nẵng mà không tìm hiểu kỹ là tôi ớn đến già, dù có bán giá rẻ cũng không thèm”, ông Nguyễn Đức Q. ở Quảng Nam lắc đầu thở dài kể chuyện mua 2 lô đất dự án tại đây. Mua từ 2015 nhưng đến nay, ông Q. vẫn chưa nhận được giấy sử dụng đất. Tưng mở ước những căn nhà đẹp bên bờ biển và dòng sông Hàn nhưng bây giờ nhiều người đang mắc kẹt tiền tỷ ở thị trường Đà Nẵng.
Ngậm đắng ăn "bánh vẽ"
Hơn 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư như ông Q. từ tỉnh lẻ ra Đà Nẵng mua đất tại các dự án bất động sản đã bị nhà đầu tư cho ăn “bánh vẽ”, khiến họ mất ăn mất ngủ nhiều năm liền.
Ngày khởi công dự án KDC P.H, thuộc Khu tái định cư Thanh Lộc Đán - Hòa Minh mở rộng hồi năm 2015, đại diện chủ đầu tư từng khẳng định với ông Q. và nhiều nhà đầu tư khác, rằng dự án có tổng nguồn vốn hơn 1.600 tỷ đồng, do công ty của Mỹ thiết kế. Đây là dự án đẳng cấp quốc tế mà ít dự án bất động sản nào ở Đà Nẵng sánh kịp.
Sau khởi công, chủ đầu tư công khai mở bán, giá từ 400-500 triệu đồng/lô nên chỉ thời gian ngắn sau, toàn bộ đất nền của dự án hết sạch.
Trái ngược với “bánh vẽ” hoành tráng, dự án The Summit xây thô rồi để cỏ mọc nham nhở, tường gạch rêu phủ bỏ hoang nhiều năm nay. |
Song, đến nay, dự án này vẫn án binh bất động. UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định hủy bỏ chủ trương chuyển mục đích sử dụng gần 80ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở tại dự án này do chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất.
Đến cuối năm 2016, nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án P.H rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”. Họ chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xây dựng nhà ở.
Không chỉ phân khúc đất nền, nhiều dự án căn hộ trên địa bàn TP. Đà Nẵng bị khách hàng khởi kiện ra toà vì tiền họ đã trao, nhưng chủ đầu tư cho ăn "bánh vẽ".
Dự án The Summit nằm trên đường Ngô Quyền, do Công ty Bất động sản Meridian Property làm chủ đầu tư, là một ví dụ. Được quảng cáo là khu căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp, độc đáo mang tiện ích đẳng cấp của khu resort với 356 căn hộ, khu căn hộ nghỉ dưỡng có bể bơi, sân vườn, cà phê phiên bản The Rooftop trên tầng thượng,... nên rất nhiều khách hàng đổ tiền vào dự án.
Dự án Viễn Đông Meridian Tower 48 tầng giờ cũng chỉ là bãi đất trống. |
Ngoài ra, nhiều dự án căn hộ khách sạn đi vào hoạt động đã hơn 2 năm nay, mặc dù người mua đã nộp tiền đầy đủ và nộp lệ phí làm thủ tục sở hữu căn hộ theo yêu cầu của chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn không nhận được sổ đỏ. Cả trăm khách hàng mua căn hộ khách sạn (condotel) Fusion Suites Danang Beach đang kêu cứu khắp nơi do chưa nhận được sổ đỏ như hợp đồng đã ký.
Hàng loạt dự án khác như Danang Center, Golden Square, Viễn Đông Meridian Tower,... đình đám nằm trên khu đất vàng giữa trung tâm thành phố cũng bỏ hoang từ nhiều năm nay, gây bức xúc cho khách hàng và khiến cơ quan chức năng đau đầu.
Đà Nẵng vào cuộc
Để ngăn chặn những dự án “bánh vẽ” và chấn chỉnh tình trạng dự án treo, giữa tháng 2/2017, UBND TP. Đà Nẵng đã ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư không được phép chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ dưới mọi hình thức cho người dân khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về quy hoạch, đất đai.
Một dự án nằm giữa trung tâm TP. Đà Nẵng xây dở dang hơn 10 năm nay. |
Thời gian qua, lợi dụng những lỗ hổng pháp lý trong quản lý đất đai, nhà chức trách ở Đà Nẵng phát hiện nhiều chủ đầu tư dự án chỉ dựa trên sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự kiến, quy hoạch dự kiến chưa được UBND TP phê duyệt đã tổ chức thực hiện việc giao dịch chuyển quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, căn hộ khi chưa đủ các điều kiện về pháp lý là không đảm bảo các quy định về pháp luật, dễ dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về sau gây thiệt hại cho người mua đất, mua nhà tại một số dự án.
Rõ ràng, những dự án “bánh vẽ” gây bất lợi cho sự phát triển của thị trường nhà đất Đà Nẵng. Đây là cơ hội để môi giới địa ốc tung chiêu đẩy giá, khiến người mua như lạc vào “mê hồn trận”.
Do vậy, TP. Đà Nẵng đề nghị người mua cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu về pháp lý của dự án trước khi xuống tiền mua.
Vũ Trung - P. Nguyễn