Mới đây, vụ vỡ hụi ở xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định với số tiền lên đến vài chục tỉ của gần 100 nạn nhân, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng chơi hụi rồi vỡ hụi ở các vùng nông thôn.
Cám cảnh những phận đời
Mới đây phóng viên ANTG nhận được đơn tố cáo của hơn 90 người là nạn nhân trong vụ vỡ hụi tiền tỉ ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định với số tiền lên tới vài chục tỉ đồng và hơn 100 cây vàng. Nạn nhân đều là những người thân quen của chủ hụi, hoặc người nọ giới thiệu người kia tham gia vào phường, hụi của vợ chồng ông Vũ Văn Thắng (sinh năm 1966) và bà Phạm Thị Ngọc (sinh năm 1968), cùng trú tại xã Xuân Ninh.
Theo phản ánh của người dân, vợ chồng ông Thắng, bà Ngọc làm chủ hụi hơn chục năm nay ở địa phương. Làm ăn uy tín nhiều năm, lãi trả sòng phẳng, bởi thế mà hơn chục năm nay các nhà cùng nhau gửi gắm vào hụi để mong có chút tiền lãi phụ cho cuộc sống gia đình.
Chưa kể cái “mác” ông Thắng vừa là đảng viên, vừa là xóm trưởng, đại biểu hội đồng nhân dân xã; bà Ngọc bán tiệm tạp hóa tại nhà. Gia đình ông bà Ngọc là có công với cách mạng khi bố chồng và anh chồng đều là liệt sĩ. Nhà bà Ngọc kinh tế khá giả, con cái đều thành đạt, lập nghiệp trên Hà Nội, vợ chồng còn kinh doanh chở hàng thuê vì đầu tư mấy chiếc xe tải chở hàng nên nhiều người càng thêm phần tin tưởng gửi gắm tiền và vàng vào phường hụi của gia đình bà Ngọc.
Khi chúng tôi tìm về Xuân Ninh để tìm hiểu, người dân nghe tin kéo đến rất đông, chỉ với mong ước được báo chí phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để được trả lại số tiền đã mất mà không cần đến một đồng lãi, dù họ góp tiền cả một năm nay mà chưa nhận được một đồng lãi suất nào.
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần đều là quá tin tưởng vào chủ hụi vì là người cùng làng, lại có “thâm niên” làm chủ hụi hơn chục năm nay.
Trời nắng rát nhưng bà Phạm Thị Đào (73 tuổi) vẫn lặn lội đi bộ ra nhà văn hóa của xóm để gặp chúng tôi. Hai vợ chồng già cả, tích cóp được ít tiền lương hưu, định gửi vào hụi để có tiền lãi nuôi cô con gái thiểu năng năm nay đã 48 tuổi thì cuối cùng mất trắng. Bà bảo bà vào họ 2 cây vàng từ tháng 8-2021, trong số vàng đó có cả vàng của đứa cháu ngoại đi xuất khẩu lao động gửi về nhờ bà gửi họ để có thêm đồng lãi.
2 tháng bà sẽ đóng 1 lần, mỗi lần 4 chỉ vàng vào hụi cho bà Ngọc. Thế nhưng đến nay chưa nhận được một đồng lãi nào thì đã mất trắng. Rơm rớm nước mắt bà bảo, hai vợ chồng già cả, chồng bà năm nay cũng đã 82. Nhà có ba cô con gái thì cô út, cô cả đã đi lấy chồng, cuộc sống cũng không dư giả gì để hỗ trợ bố mẹ và em gái. Cô thứ hai bị thiểu năng từ nhỏ đến giờ 48 tuổi vẫn một mình hai ông bà già chăm lo. Bà là giáo viên về hưu, ông là công nhân đường sắt, lương hưu ba cọc ba đồng, trong khi hai vợ chồng già bệnh tật đầy mình, ngày ngày tốn bao nhiêu tiền thuốc tiểu đường, huyết áp, sỏi thận nhưng vẫn chắt bóp từng đồng gửi hụi, mong sau này có tiền lãi nuôi cô con gái bệnh tật đề phòng lúc ông bà khuất núi. Trước ngày bà Ngọc tuyên bố vỡ nợ, bà Đào có đến nhà gặp bà Ngọc để xin lấy họ trước cho đứa cháu về xây nhà, thì bà Ngọc có bảo là không đủ khả năng chi trả nhưng xin bà giữ kín chuyện này để còn đi thu họ của những người khác. Vậy là bà Đào lại cả nể, không nói cho ai biết chuyện vỡ nợ của bà Ngọc, và ngậm ngùi tay trắng đi về.
Bi kịch hơn là câu chuyện của bà Mai Thị Hiền năm nay đã 70 tuổi. Bà đang bị suy tim giai đoạn nặng nhất. Chồng mất sớm, không có con cái, bà ở cùng cô cháu gái cũng chồng mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Hai cô cháu sống nương tựa vào nhau khi trái gió trở trời. 250 triệu đồng là số tiền bà Hiền tích cóp cả cuộc đời nhưng sau khi gửi cho chủ hụi, giờ bà mất trắng vì chủ hụi tuyên bố phá sản.
Chị Phạm Thị Nhàn vốn chỉ làm nông nghiệp, chồng làm công nhân may, lương ba cọc ba đồng. Cả nhà hai vợ chồng nuôi 3 đứa con nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tất cả trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của anh chồng. Chị chơi hụi từ năm 2006, vì thấy có lãi cho các con ăn học nên theo từ đó đến giờ. Từ năm ngoái, tin tưởng vào bà Ngọc, chị bắt đầu chơi cho cả chồng và cô em gái 6 dây họ (110 triệu đồng). Cô em gái đang đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) cũng gửi tiền về nhờ chị chơi giúp để có thêm đồng ra đồng vào, cuối cùng cũng mất trắng theo vợ chồng người chị. Áy náy với em, nhưng chị Nhàn cũng chẳng thể làm được gì bởi bản thân chị cũng mất số tiền lớn. Bố chị khi nghe thông tin vỡ hụi, hai cô con gái mất nhiều tiền cũng tăng xông mà phải vào viện cấp cứu.
Bà Phạm Thị Lâm, hàng xóm của bà Ngọc cũng vì tin tưởng mà mất hơn 300 triệu đồng. Chồng bà Lâm ốm đau, hầu như tháng nào cũng phải đi viện một lần vì bệnh phổi tắc nghẽn. Có hơn 300 triệu đồng tích cóp bà đều gửi vào họ để có thêm đồng lãi hàng tháng đưa chồng đi viện điều trị. Không chỉ lấy tiền nhà chơi, bà còn chơi hộ cho người chị họ hơn 50 triệu. Trước khi bà Ngọc vỡ nợ, bà Lâm có đến xin lấy tiền trước để đưa chồng đi viện thì bà Ngọc không cho lấy trước với lý do “nhiều người tháng này lấy họ nhiều quá rồi”.
Còn chị Mai Thị Quế (sinh năm 1979) không chỉ gửi tiền họ cho bà Ngọc mà còn chơi giúp 5 công nhân đang làm thuê cho mình với tất cả số tiền lên tới 555 triệu đồng giờ cũng mất trắng. Chị bảo, vì chơi hộ công nhân, nên giờ chị đang áy náy với họ lắm, tự nhiên mình lại thành con nợ của họ, nhưng bản thân chị cũng đang mất rất nhiều tiền. Số tiền tích cóp cả đời cuối cùng thành tay trắng.
Cảnh giác với chơi hụi
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những người đóng tiền hụi cho vợ chồng ông Vũ Văn Thắng và bà Phạm Thị Ngọc đều chỉ biết mang tiền, mang vàng đến kí nhận bằng những giấy tờ viết tay đơn giản, chỉ ghi ngày, số tiền và người gửi ký tên.
Các nạn nhân tham gia góp hụi bằng hình thức vàng và tiền. Với tiền, mức lãi suất 15%/ tháng. Với vàng, 2 tháng người dân đóng 1 lần, mức lãi tương đương gần 7%/tháng. Nhưng số tiền lãi hầu hết đều tự thỏa thuận bằng miệng và tùy từng người, từng đối tượng mà có số lãi khác nhau. Người lấy trước trả lãi cho người lấy sau. Mỗi phường 15 người. Khi chủ phường tuyên bố vỡ nợ, nhiều người dân cho biết họ không biết phường hụi của mình có những ai.
Hơn chục năm làm chủ hụi, tiền lãi rồi tiền vốn ông Thắng bà Ngọc thường đúng hẹn nên càng ngày càng tạo được niềm tin với tất cả người dân xã Xuân Ninh. Từ những người hàng xóm thân quen, đến họ hàng thân thích, người nọ mách người kia mà số người vào họ ngày càng nhiều.
Như bà Đặng Thị Hà (sinh năm 1972) vốn là bạn thân hơn 20 năm của bà Ngọc cũng ngậm ngùi cay đắng khi bị bạn lừa mất hơn 300 triệu. “Sáng nào cũng đi bộ rồi cafe với nhau. Hơn 20 năm nay chơi thân với nhau như hình với bóng. Nhà bà Ngọc có gì mua gì, làm gì cho con là kể hết cho tôi. Vào hơn 300 triệu nhưng chưa lấy được một đồng lãi nào. Tôi xin lấy sớm thì lại bảo nhường người khác. Giờ thì mất trắng. Trước khi tuyên bố vỡ nợ ngày 8-5-2022 (tức ngày 8-6-2022), bà Ngọc vẫn sai chồng đi thu họ các nhà với lý do thu còn trả cho người nghèo hơn, người đến ngày lấy họ”, bà Hà cho biết.
Không chỉ bà Hà mà những người dân có mặt đều phản ánh trước khi tuyên bố vỡ nợ nhiều ngày, camera hàng xóm đã check được hình ảnh vợ chồng bà Ngọc mang hết đồ đạc, xe cộ gửi đi Hà Nội lúc 3h sáng. Vì thế khi tuyên bố vỡ nợ, mọi người đều nghi ngờ hai vợ chồng bà Ngọc đã kịp mang tài sản tẩu tán từ trước đó.
Theo Thiếu tá Hoàng Thọ Tân, Trưởng Công an xã Xuân Ninh, Công an xã Xuân Ninh đã tiếp nhận 91 đơn của bị hại và chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu lên cơ quan điều tra công an huyện Xuân Trường. Bị hại mất ít nhất hơn 40 triệu đồng, người nhiều nhất hơn 2 tỷ. Có nhiều bị hại khai báo, gửi đơn tố cáo, nhưng có nhiều người gửi đơn nên chưa thể thống kê hết số tiền thiệt hại cụ thể là bao nhiêu. Khi bà Ngọc tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng chi trả, người dân kéo đến trước nhà rất đông, căng thẳng, lời qua tiếng lại nhưng Công an xã đã kịp thời có mặt để nắm bắt tình hình, tuyên truyền vận động bà con nhân dân làm theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, Công an huyện Xuân Trường cũng đã triệu tập hai vợ chồng ông Thắng, bà Ngọc lên làm việc. Hiện tại nhà bà Ngọc vẫn cửa đóng then cài, mọi hoạt động kinh doanh đã tạm dừng.
Thực tế hiện nay, nhiều người vì tin tưởng vào sự quen biết, uy tín, bề thế của chủ hụi và bị hấp dẫn bởi tiền lời lớn nên tham gia chơi hụi. Đồng thời, khi chơi hụi, nhiều người chỉ nhớ các lần đóng hụi và bao nhiêu chân hụi để quy ra tiền chứ không có chứng từ ghi nợ rõ ràng. Khi người chơi hốt hụi mà chủ hụi có dấu hiệu hẹn lần lữa, đến nhà tìm không gặp, điện thoại không bắt máy hoặc không liên lạc được, nghĩa là có nguy cơ bể hụi. Thông thường, khi sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã không còn tài sản hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nên khi vỡ hụi, người chơi thường lâm vào cảnh trắng tay, không nhận lại được hoặc chỉ nhận phần ít số tiền mà mình đã góp.
Trong những vụ vỡ hụi, việc xử lý để thu hồi tài sản trả lại cho người dân là hết sức khó khăn. Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn; nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia. Đồng thời, cảnh báo những người tổ chức tham gia góp vốn cần tuân thủ các quy định pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
(Theo An Ninh Thế Giới)