Sáng 14/4, hàng nghìn người từ khắp nơi tìm đến bản Na Sang 1, xã Núa Ngam để tham gia Tết té nước truyền thống của người dân tộc Lào. Lễ hội kéo dài từ ngày 13-15/4 hàng năm.

W-img-3618-2.jpg
Người dân bản Na Sang 1 nhảy múa trong ngày Tết té nước của dân tộc mình. Ảnh: Nhị Tiến 

Tết té nước là nghi thức quan trọng của cộng đồng người dân tộc Lào ở huyện Điện Biên , với mong muốn cầu chúc cho mọi người dồi dào sức khỏe, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Bên cạnh đó, Tết Té nước có ý nghĩa nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp, sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc Lào.

Ngay từ sớm, người dân bản Na Sang 1, Na Sang 2 chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống lộng lẫy nhất, rực rỡ để tụ họp về bãi đất trống cạnh bờ sông Nậm Núa tham dự lễ hội.

Lễ hội mở đầu bằng hoạt động tín ngưỡng tâm linh như: Lễ cúng bản, cúng tổ tiên và các vị thần; thầy mo vừa cầu khẩn, vừa vẩy nước thơm và buộc chỉ cổ tay cho mọi người để cầu may, nhận phước với mong muốn một năm bình an, khỏe mạnh, không ốm đau...

W-img-3555-2.jpg
Phần hấp dẫn của lễ hội là té nước. Ảnh: Nhị Tiến

Phần hội mà mọi người mong chờ nhất là té nước vào người nhau. Mọi người cùng nhau xuống suối, té nước để cầu chúc may mắn.

Khi té nước, dân tộc Lào không chỉ té vào người mà còn té nước vào nhà cửa, vật nuôi, các công cụ sản xuất, bởi họ tin rằng nước sẽ gột rửa, xua đuổi đi sự xấu xa, bệnh tật… và cầu chúc một năm mới mưa thuận gió hoà.

W-img-3609-2.jpg
Người dân tập trung tại một con suối ở bản Na Sang 1 để cùng té nước vào nhau để cầu may. Ảnh: Nhị Tiến
W-img-3592-2.jpg
Té nước vào nhau để cầu may. Ảnh: Nhị Tiến 
W-img-3577-2.jpg
W-img-3572-2.jpg
Uớt càng nhiều, gặp càng nhiều may mắn. Ảnh: Nhị Tiến

Chị Lường Thị So (xã Núa Ngam) cho biết: "Lễ hội Bun Huột Nặm là một trong những dịp lễ hội quan trọng nhất của người dân tộc Lào.

Từ trước khi lễ hội chúng tôi đã tụ họp với nhau để tập một tiết mục văn nghệ làm sao để hay nhất nhưng vẫn giữ những nét truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi cũng có tham khảo một số tiết mục của đội khác, ngoài những tiết mục mang tính chất truyền thống cũng có đội mang lại những tiết mục mới mang hơi thở của hiện đại."

W-img-3585-2.jpg
Các bạn trẻ diện những trang phục đẹp nhất của dân tộc mình để đến ngày hội. Ảnh: Nhị Tiến 
img-3613-2.jpg
Du khách đến dự lễ hội cũng phải ướt khi ra về. Ảnh: Nhị Tiến
img-3612-2.jpg
Những du khách còn trẻ cũng hào hứng tham gia lễ hội. Ảnh: Nhị Tiến 

Năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Tết Té nước là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại Điện Biên, Tết té nước góp phần gìn giữ và quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, phát triển du lịch của tỉnh.