Những ngõ phố nổi tiếng này đã được đưa vào cẩm nang du lịch của khách nước ngoài vì tính đời thường, giản dị của nó.
Những quán bán bún thang, bún ốc, phở trộn, phở gà, bánh kẹo, quán nước, hoa giả, chai lọ thủy tinh, giày dép,... là những hàng quán được bố trí trong không gian nằm trên những con ngõ nhỏ, sâu hun hút ở phố cổ Hà Nội. Không gian sống ở con phố vốn dĩ đã quá chật hẹp và đông đúc này càng được tận dụng tối đa khi người dân trưng dụng nơi đó là chốn mưu sinh.
Điều đáng nói là sự tồn tại của những con ngõ ấy, dù là nơi để mưu sinh, ồn ào, đông đúc nhưng vẫn là một nét rất riêng và bình yên, đẹp đẽ giữa lòng phố cổ mà bất cứ một du khách nào đều muốn ghi nhớ.
Anh Thế Dũng – một hướng dẫn viên cho đoàn du lịch nước ngoài chia sẻ: “Mỗi lần dẫn khách đi thăm thú Hà Nội, phố cổ là địa điểm đầu tiên tôi muốn giới thiệu với tất cả mọi người”.
Ngõ chợ Đồng Xuân là một địa chỉ chứa đầy những quán ăn ngon mà bất cứ một người sành ăn nào cũng đều biết đến. Một ngõ nhỏ, tối tối ở trong ngõ chợ Đồng Xuân này, đi khoảng mấy chục mét, mới vỡ lẽ ra là đằng sau nó là cả một không gian sống, nhộn nhịp, là nơi mưu sinh vô cùng sinh động của người dân nơi đây |
Hàng bún ốc nổi tiếng là quán ăn nhỏ nằm trong ngõ chợ, giữa một khoảng sân hẹp vuông vắn là không gian sinh hoạt chung của người dân. Quán tuy nhỏ, nhưng vẫn tấp nập người đến ăn. Vậy là nếu như nhìn từ đầu ngõ vào, có lẽ sẽ chẳng ai hình dung được có một không gian sống đặc biệt, đầy màu sắc, mùi vị như vậy đang tồn tại. |
Ăn xong bún phở, thực khách hoàn toàn có thể đi thêm vài bước chân để thưởng thức thêm món chè ngon tuyệt trong ngõ chợ. Người ta đến ăn uống rất trật tự, nhanh chóng và gọn gàng bởi không đủ không gian để bày bừa. Và tất nhiên chất lượng món ăn thì ai cũng phải khen nức nở |
Sản phẩm xưa kia của phố Hàng Buồm là các loại bị, túi, chiếu buồm... đan bằng mây, cói. Ngày nay trên phố có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí các loại, phong phú đa dạng. |
Và thật lạ là dù ở bất cứ hình thức nào, hàng quán mọc lên từ ngõ nhỏ ấy vẫn có khách, thậm chí còn đông nữa là đằng khác. |
Dường như trong phố cổ, nhà nhà, ngõ ngõ đều tận dụng tối đa diện tích vốn đã quá chật hẹp để buôn bán, mưu sinh. Ngõ Gầm Cầu đặc trưng với các hàng quán bán giày dép, đồ chai lọ thủy tinh. |
Bác Dương tranh thủ phút nghỉ ngơi giờ trưa để ăn cơm hộp. Bác buôn bán ở đây cũng đã gần 20 năm. Với bác, con ngõ Gầm Cầu quá thân thuộc, như một ngôi nhà thứ 2 vậy |
Con ngõ tuy nhỏ nhưng biết bao người mưu sinh tại đây |
Đi bất cứ con phố nào giữa lòng phố cổ, đều dễ dàng bắt gặp những con ngõ đặc biệt như thế. Ngõ sâu nhưng hàng quán lúc nào cũng đông người. Ở Tạ Hiện, những cửa hàng nhỏ bán thuốc lá, văn phòng phẩm rất nhiều. |
Quán bún mọc nổi tiếng trên ngõ Đào Duy Từ luôn đông khách. |
Chỗ này là hàng trà nóng với dăm chiếc ghế con con cùng ít hộp, lọ đựng các loại kẹo, chỗ kia là một vài chiếc ghế nhựa với đĩa nem rán. Những con hẻm, ngõ ở phố cổ – nơi có những hàng quán bất đắc dĩ, đều ít nhiều là miếng cơm manh áo, là chốn mưu sinh của không ít người dân nơi đây. |
Đi qua ngõ Phất Lộc, ai ai cũng ngửi thấy mùi cơm rang, phở xào, mỳ xào, nầm bò nướng, bún đậu thơm lừng. Hàng quán ở nơi đây hoạt động từ sáng tới tận đêm khuya. Với dân sành ăn sẽ thật là thiếu sót nếu không kể đến hàng bún thang ở ngõ Phất Lộc, bởi đây là hàng bún có thâm niên hàng chục năm trong nghề, đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hà Nội. Bát bún là sự hòa quện của đầy đủ thịt gà, trứng tráng, giò lụa, nấm hương,… và nước dùng dậy mùi thơm của xương gà ninh. |
Việc mua bán kinh doanh yên ổn và trật tự, trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày. Có lẽ vì thế nên những ngõ mưu sinh vẫn luôn tồn tại như một nét rất riêng và đáng yêu mỗi lần lang thang phố cổ Hà Nội. |
Ngõ phố Hàng Chai luôn tấp nập, xúng xính bởi cả dãy phố đều bán hoa giả. Ngõ phố luôn rực rỡ trổ sắc thu hút hàng ngàn người mua bán. Hoa giả đủ loại từ hoa hồng, hoa ly, hoa đào, lan… |
|