Nổi bật là cây vàng có giá đến 4,7 tỷ đồng của Câu lạc bộ mai vàng TP Sa Đéc (Đồng Tháp). Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ mai vàng TP Sa Đéc cho biết, cây mai vàng này có nguồn gốc từ tỉnh Bạc Liêu.
Cây mai vàng này có tuổi đời 100 năm tuổi, cao 5m, đường kính 7m. “Cây mai này độc đáo nhất là bộ đế khủng, khoảng 1,2m và được “gói” trong bồn gạch khoảng 86 năm. Ngoài ra, đây là cây mai nguyên thủy, chưa qua chỉnh sửa”, anh Tuấn nói.
Ngoài ra, tại Hội thi và Triển lãm Sinh vật cảnh ĐBSCL mở rộng TP Sa Đéc còn có hai cây mai vàng khủng khác. Thứ nhất là cây mai của anh Toàn (ở Kiên Giang) có tuổi đời hơn 70 năm, gốc to hơn 1,1m, tán rộng 10m, cao hơn 6m.
“Đây là cây mai nguyên thủy, có bộ tán rất khủng. Đặc biệt là 1 thân 1 cốt dót đỉnh. Cây mai này có giá 3,5 tỷ đồng” người quản lý cây mai cho anh Toàn nói.
Cây mai còn lại khoảng 60 năm tuổi, nguồn gốc tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Chủ nhân của cây mai là anh Đinh Hữu Nhẫn. Cây mai cao hơn 7m, bề hoành khoảng 8,5m. “Cây mai này có đế đều, nhìn rất “lực”, 1 thân 1 cốt dót đỉnh. Cây mai này có giá 2,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại “Hội thi và Triển lãm Sinh vật cảnh ĐBSCL mở rộng TP Sa Đéc năm 2022”, còn có gần 1.000 cây cảnh, đá có giá trị tiền tỉ.
Ông Bùi Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, cho biết, hội thi thu thút khoảng 1.500 tác phẩm của các nghệ nhân đến từ các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam… Các tác phẩm dự thi ở 5 thể loại gồm: bon sai, bông trang (hoa mẫu đơn), hoa sứ, hoa lan và đá cảnh.
“Hơn 1.500 tác phẩm của các nghệ nhân từ Đà Nẵng trở vào tham dự hội thi năm nay. Qua đó, chúng tôi đã chọn lựa rất kỹ các tác phẩm đẹp để trao giải. Trong đó, có một tác phẩm là cây si của nghệ nhân ở TP.HCM đạt giải đặc biệt”, ông Ẩn nói.
Theo ông Ấn, cây si này được “nuôi” rất khéo từ thân, gốc, lá… Nhìn tổng thể cây rất hài hòa giữa thân và cây. Theo tiết lộ, cây si này có tuổi kiểng vài chục năm và giá vài tỉ đồng.
Chiêm ngưỡng những tác phẩm bonsai, hoa lan, hoa sứ tại hội thi:
Thiện Chí