Việc Đoàn Thị Hương trở về Việt Nam hôm 3/5 đã gây những ồn ào quá đáng trong dư luận. Nhiều người trách báo chí đưa tin cô ấy trở về như một ngôi sao điện ảnh chứ không phải một nghi phạm bị kết án.

Thật ra là không công bằng nếu chỉ chĩa mũi dùi vào báo chí. Sự vụ của Hương là một biến cố chính trị lớn, ở tầm cỡ quốc tế, nên báo chí trong và ngoài nước không thể bỏ qua. Họ phải làm nhiệm vụ của mình, là thông tin những gì công chúng quan tâm, một cách nhanh chóng và trung thực nhất.

Chính vì thế hình ảnh Hương về đến sân bay Nội Bài được cập nhật tức thời, từng phút một, và ngay lập tức gây ra một cơn chấn động với độc giả. Vẻ ngoài của cô cùng sự săn đón của báo chí khiến độc giả có những ấn tượng sai lầm rằng cô đang được chào mừng rình rang, không đúng với bản chất một vụ án nghiêm trọng mà cô, dù vô tình, bị lôi kéo vào. 

{keywords}
Hình ảnh Đoàn Thị Hương trong ngày về nước. Ảnh: Phạm Hải

Nhưng giá báo chí có thể đưa tin tiết chế hơn một chút. Giữa rất nhiều tờ báo rút tít trung tính thì vẫn có những tít kiểu “Đoàn Thị Hương rạng rỡ ngày trở về”, Đoàn Thị Hương trở về trong vòng vây báo chí”,  rồi tìm về tận nhà cô từ hôm trước để chuẩn bị dư luận, rồi đăng hàng chùm ảnh cô ấy ăn mặc kiểu cách, thì cũng khác gì thổi một mồi lửa vào dư luận vốn dễ bị kích động. 

Các báo cạnh tranh độc giả, có view mới có tiền để sống, nên trong rất nhiều sự kiện, chính các báo đã làm bùng lên dư luận. Truyền thông có sức mạnh khủng khiếp. Giả sử trong trường hợp này, báo chí không dàn hàng ngang trên sân bay chờ đón Đoàn Thị Hương, và rút tít một cách thật điềm tĩnh – bởi có rất nhiều người chỉ đọc tít mà thôi. Thật ra, trong trường hợp này báo chí có thể lựa chọn cách tiết chế chừng mực.

Về phía Đoàn Thị Hương, giá cô ấy chọn trở về một cách ít ồn ào hơn. Cách cô ăn mặc mà nhiều người cho là chảnh chọe thật ra cũng không có gì ghê gớm, có thể chỉ là một thói quen của cô gái trẻ. Lúc đầu cô cũng đã đeo kính đen để che mặt, nhưng quả thật niềm hạnh phúc được trở về nhà sau hai năm sống trong nhà giam, với những diễn biến khó lường, đối mặt án tử hình, giờ tất cả được giải thoát, được gặp người thân thì khó mà kìm lại được niềm vui. Cô lại đứng giữa một rừng ống kính, lại là người từng muốn vào showbiz, nên cách cô thể hiện tự dưng trở nên hơi lố.

Lời cảm ơn của cô là đúng, vì cô mà các cơ quan bộ ngành của Việt Nam như Ngoại giao, Tư pháp, Công an đã phải rất vất vả, cũng đã có rất nhiều người nhiệt tình vận động lên tiếng cho cô thoát án tử hình và được gặp người thân lúc ở trong tù. Nhưng lời cảm ơn đó là chưa đủ.

Người ta mong chờ ở cô một lời xin lỗi vì những rắc rối quá lớn mà cô có một phần trách nhiệm, dù vô tình hay bị lôi kéo, vì qua bàn tay cô có một người đã mất mạng. Giá Đoàn Thị Hương nhận thức tốt hơn về những gì cô đã gây ra để chọn trở về lặng lẽ hơn. Và nhất là cô nên dự đoán rằng đoạn đường phía trước của cô chưa chắc đã yên ổn, bằng phẳng, bởi cô đã dính vào một vụ án có tính lịch sử, để rồi có cách ứng xử hợp lý nhất.

Vẻ đình đám từ cuộc trở về của Đoàn Thị Hương gốc rễ vẫn là nhu cầu háo chuyện giật gân của người đọc. Độc giả có trách thì trách mình trước, khi luôn luôn hăm hở đọc những thứ giật gân trên báo chí. Giá như người đọc chọn lựa thông tin tốt hơn, có trách nhiệm hơn, thì chắc đã không có sự ồn ào lần này cũng như nhiều việc khác. Và nếu có lòng thực sự, độc giả và truyền thông đừng tiếp tục săn đuổi, đào xới, lạm dụng, để Đoàn Thị Hương trở lại một cuộc sống bình yên.

Trong câu chuyện này  không thể không nhắc tới những cố gắng của Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành, nhất là Bộ Ngoại giao, trong việc bảo vệ công dân của mình, cô  Đoàn Thị Hương.

Vẫn còn nhớ 2 năm trước, khi báo nước ngoài đưa tin Đoàn Thị Hương bị bắt, báo trong nước như sôi lên. Cánh báo chí đã sốt ruột như nào vì Bộ Ngoại giao không lên tiếng ngay. Lúc đó, khi nhà báo gọi điện giục, một người phụ trách ở Vụ Báo chí cho biết, ở Bộ mọi người biết hết dư luận thế nào, nhưng việc rất phức tạp, có những thứ Bộ đang phải xác minh và xử lý, và sẽ có thông tin sớm nhất.

Đó là lý do mà phải khoảng 2 ngày sau Vụ mới lên tiếng. Nhưng giá như Bộ đã có một thông báo trấn an dư luận ngay từ đầu, thì đã không phải chịu nhiều chỉ trích, chất vấn đến thế.

Nhưng 2 năm qua thật sự là những nỗ lực phi thường của ngành ngoại giao, công an, tư pháp, của nhiều người vận động cho Đoàn Thị Hương. Suốt 2 năm kể từ khi Hương bị bắt, trong bất kỳ tin nào phát ra về các cuộc gặp của quan chức ngoại giao Việt Nam với phía Malaysia, đều có các thông tin nhắc đến vụ Đoàn Thị Hương, phía Việt Nam đề nghị Malaysia đảm bảo điều kiện và quyền lợi cho cô trong khi bị giam giữ, và đảm bảo xét xử công bằng.

Chắc hẳn còn rất nhiều động thái không công khai khác nữa. Bất chấp mọi thuyết âm mưu và nghi kỵ, các bộ ngành của Việt Nam đã hết sức nỗ lực để bảo vệ cô, đưa cô trở về. Sự tích cực của những người vận động cho cô cũng là yếu tố rất đáng ghi nhận.

Giờ đây, khi “nghi phạm của lịch sử” đã được trở về, câu chuyện đã bắt đầu khép lại. Chỉ mong sóng gió sẽ chấm dứt hẳn với cô và tất cả các bên, bởi đã có một bài học lớn, một giá đắt trả bằng mạng sống, bằng thời gian công sức của nhiều người và bằng thời gian một cô gái trẻ phải ngồi tù.

Mỹ An