Với 28 tác phẩm bằng chất liệu chủ đạo là ghim và màu acrylic, mỗi tác phẩm trong triển lãm GHIM đều chứa đựng những tìm tòi, sáng tạo độc đáo, mới lạ, chuyển tải đến cho người xem một câu chuyện khác nhau được tác giả đúc kết từ cuộc sống hiện thực, từ những “va chạm” của tư duy sáng tạo nghệ thuật với những sự việc, hiện tượng diễn ra trong thế giới muôn màu.
Họa sĩ Nguyễn Sơn chia sẻ: "Với tôi chất liệu là một yếu tố quan trọng vì vậy tôi luôn tìm tòi, khám phá và thấu hiểu bản chất để tương tác với nó hiệu quả nhất. Đôi khi việc phối hợp các chất liệu với nhau tạo ra những cảm giác thú vị. Thông qua bố cục, hòa sắc và làm chất cho bề mặt để tạo nên xúc cảm và ngôn ngữ hội họa của riêng mình.
Tôi hoàn thiện tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình trong quá trình sáng tác các tác phẩm mỹ thuật. Giá trị thẩm mỹ và sự mới lạ độc đáo là hai nhân tố cơ bản tôi muốn tạo ra từ những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Ngoài các chất liệu quen thuộc như sơn dầu, màu nước, phấn màu và acrylic, tôi còn dùng đến các chất liệu tạo nên kết cấu bề mặt khác nhau như: bảng mạch, len, bìa, ghim, nhựa, bột nặn… Hành trình hội họa là một trải nghiệm khám phá nội tâm, khám phá việc thể hiện cảm xúc của mình qua các chất liệu".
Hoạ sĩ Nguyễn Sơn cho biết, ý tưởng sáng tác đến với ông từ mọi khía cạnh của cuộc sống: từ những tin tức thời sự hay tiếp xúc với những văn hóa, công nghệ. Mỗi tương tác trong xã hội đều đem lại cho hoạ sĩ những ý tưởng sáng tạo. Cho dù đó là cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, sự tác động môi trường do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, do thiên tai, dịch bệnh hay những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, triết học, về quan niệm sống của mỗi người trong các cuộc tranh luận với bạn bè. Thậm chí ý tưởng có thể nảy sinh từ việc quan sát và chăm sóc con cái của hoạ sĩ. Chúng giúp ông thay đổi cách làm việc, ông có thể bắt đầu sáng tác từ vô thức, không áp đặt cho mình bất cứ chủ đề nào ngay lúc bắt tay vào sáng tác một tác phẩm cụ thể.
Với sự phóng khoáng, không áp đặt chủ đề, từ ý tưởng cho đến chất liệu, từ khuynh hướng vừa như trừu tượng vừa như hiện thực, gần gũi với cuộc sống, GHIM mong muốn mang đến cho người xem những cảm nhận khác nhau và nhận về những tác động khác nhau ở “định vị” của mỗi người trong thế giới nhân sinh.
TS. Bùi Quang Thắng chia sẻ: "Hội họa của Nguyễn Sơn có biên độ khá rộng và sự phong phú về chất liệu: từ tả thực với sơn dầu, qua biểu hiện, trừu tượng với acrrylic, với bìa, với các mảng bo mạch từ các linh kiện phế thải và lần này là thử nghiệm một chất liệu mới trong hội họa, đó là một vật dụng rất quen thuộc với những họa sĩ: GHIM!
Sự khác biệt của tranh GHIM của Nguyễn Sơn với sản phẩm mỹ nghệ và khiến nó là những tác phẩm hội họa nằm ở những điểm sau: Nếu như các sản phẩm mỹ nghệ vắng bóng của chủ thể sáng tạo, thì tranh ghim luôn thể hiện dấu ấn sáng tạo riêng của họa sỹ (độc bản, không theo khuôn mẫu có sẵn, có ý tưởng riêng, lựa chọn trường phái và phong cách hội họa và màu sắc cá tính...); Nếu như các sản phẩm mỹ nghệ bị hạn chế bởi màu sắc của vật liệu (màu sẵn có do nhuộm chỉ hoặc màu tự nhiên) do đó ngôn ngữ tạo hình cũng bị đóng khung, khô cứng... thì tranh ghim có thể tuân thủ bất cứ ngôn ngữ tạo hình nào và phong cách hội họa nào, dù phương tây hay phương đông.
Vì thế, với cá nhân tôi, tranh GHIM của Nguyễn Sơn là nghệ thuật. Những tác phẩm này sau khi được tráng thêm một lớp epoxy đem lại những hiệu quả thị giác rất bất ngờ: nhiều bức tạo ảo giác 3D, cực thực".
Triển lãm mở đến hết ngày 5/8/2022 tại Không gian triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.