dap do cong truong Hoang Ha.jpg
Phụ huynh đạp đổ cổng trường xông vào trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội). Ảnh: VnExpress

Có lẽ nhiều người còn nhớ, hồi giữa tháng 5 vừa qua, sau một đêm dầm mưa xếp hàng, hàng trăm phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh nhau… suất mua hồ sơ cho con em thi vào lớp 1.

Trước thực tế đó, tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 (Vietnam ICT Summit 2012) vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6, một lần nữa câu chuyện "phụ huynh đạp đổ cổng trường" lại được mổ xẻ để làm dẫn chứng cho chuyện: Tại sao nhiều đơn vị đào tạo vẫn "ngại" ứng dụng CNTT để xóa đi những hình ảnh khó coi "đến hẹn lại lên" như vậy?

"Mẫu hồ sơ thi vào trường hoàn toàn có thể đăng trên website để phụ huynh tải về và trên cơ sở tiêu chí được quy định rõ ràng nhà trường sẽ xét tuyển. Và sẽ không còn câu chuyện phụ huynh phải chầu chực xếp hàng cả đêm, tới cái mức đạp đổ cổng trường như vậy", TS Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Trao đổi về vai trò của CNTT trong việc góp phần hạn chế tiêu cực, nâng cao chất lượng đào tạo, PGS, TS Đào Thái Lai - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và TS Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội VINASA đều nhấn mạnh là nếu các trường tổ chức thi điện tử, khảo thí điện tử, đẩy mạnh cung cấp thông tin lên website sẽ hạn chế rất nhiều chuyện thí sinh làm "phao thi", rồi "đi thầy", "đi cô" để chạy điểm, chạy suất… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhiều trường còn rất hạn chế. N goài câu chuyện khó khăn về kinh phí đầu tư thiết bị, hạ tầng thì vấn đề quan trọng hơn cả vẫn là con người, nằm ở chính ý chí của vị lãnh đạo nhà trường nào đó có muốn ứng dụng CNTT hay không?

Liên quan đến câu chuyện "ngại ứng dụng", một số đại biểu còn dẫn thêm ví dụ khá phổ biến là việc họp trực tuyến rất hiệu quả nhưng chuyên viên, cán bộ tại nhiều trường lại tỏ ra thờ ơ vì không được... đi công tác!? Vì thế, không ít nơi cuối cùng lại quay về hình thức họp "gặp mặt trực tiếp" rất tốn kém kinh phí và thời gian.

"Phải chăng vì ứng dụng CNTT đem lại hiệu quả cao, hiệu quả nhanh quá mà có nơi… không muốn ứng dụng?", ông Quách Tuấn Ngọc nêu nghịch lý.

Việt Nam đang tiếp cận một nền giáo dục hiện đại và hội nhập quốc tế thông qua ứng dụng CNTT. Theo Bộ GD&ĐT, Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia đã "phủ sóng" Internet tới 100% trường học các cấp, thậm chí nhiều trường đã kết nối cáp quang chứ không chỉ là ADSL hay 3G; nhiều nơi đẩy mạnh ứng dụng CNTT, e-Learning, xây dựng thư viện điện tử, bài giảng điện tử…

"Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy hơn nữa hiệu quả của CNTT trong giáo dục, hạn chế tiêu cực, thực tế đang rất cần sự sẵn sàng, quyết tâm hơn nữa của bộ máy quản lý và các đơn vị nhà trường", PGS, TS Nguyễn Hữu Chí - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đào tạo và dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.