- Việc lãnh đạo Nga, Trung Quốc rầm rộ công du châu Mỹ Latinh không đơn thuần là vì các nội dung thảo luận có tính chất chung chung.  

Bởi trong bối cảnh Mỹ đang cùng các đồng minh châu Âu o ép Nga vì vấn đề Ukraina, cùng đồng minh châu Á gây sức ép lên Trung Quốc, Moscow và Bắc Kinh chẳng ngại đường xa mà không kết nối lại với nhau và những người chơi ở Mỹ Latinh, nhằm phản đòn ngay trên sân sau của Mỹ.  

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt vòng hoa tại một tượng đài ở Havana, Cuba trong chuyến công du vừa qua. Ảnh: RIA

Và khối BRICS có thể là một công cụ mới để Nga và Trung Quốc tận dụng, áp sát và phản công Mỹ trên mặt trận này. Về lâu dài, tập hợp các nền kinh tế đang phát triển lớn nhất này có thể tạo dựng một sân chơi mới, nhằm từng bước thay đổi luật chơi cũng như tác động mạnh đến trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ đang tìm cách níu kéo.  

Trong vòng mười năm, GDP của BRICS tăng lên gấp 4 lần, và giờ chiếm 21% sản lượng toàn cầu. Thương mại giữa các quốc gia trong khối tăng nhanh hơn nhịp độ thương mại toàn cầu, và tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm, đạt mức 300 tỷ USD.

Ngay trước khi ông Putin công du tới Mỹ Latinh, Vladimir Davydov – Chủ tịch Học viện Mỹ Latinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga – đã gọi đây là chuyến đi ‘lịch sử’. “Chuyến đi này của ngài Tổng tống là một dấu hiệu bày tỏ sự tôn trọng đối với Mỹ Latinh, và cho thấy Nga hiểu rõ tầm quan trọng ngày càng lớn của Mỹ Latinh trong nền kinh tế toàn cầu và chính trị thế giới”.  

Chuyến đi cũng diễn ra vào đúng thời điểm khó khăn khi mà phương Tây đang tìm cách cô lập Nga. Nga cảm nhận rõ mối quan hệ thân thiện từ cộng đồng Mỹ Latinh, và điều này cực kỳ có giá trị” – ông Davydov nói. 

Để bày tỏ mức độ trọng thị đối với khu vực này, Nga xóa 90% nợ cho Cuba trị giá 31,7 tỷ USD, ký kết hợp tác về năng lượng hạt nhân với Argentina và nhiều dự án quan trọng khác.  

Giới chức hoạch định chính sách đối ngoại của Nga hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác về quân sự, chính trị và kinh tế với các quốc gia Mỹ Latinh sẵn sàng thể hiện rằng, họ độc lập với Mỹ trong suốt thập kỷ qua. Điều khiến Nga tự tin làm vậy xuất phát từ kết quả bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc công nhận Crưm trở thành một phần của Nga cho thấy các quốc gia Mỹ Latinh có sự chia rẽ nhất định.  

Cuộc bỏ phiếu này gần như là phép thử cho thấy trong mắt nhiều lãnh đạo tại đây, hình ảnh của Nga không quá tiêu cực như ở Bắc Mỹ và châu Âu. Và hơn nữa, từ những dấu hiệu này, Nga hiểu rằng các nước Mỹ Latinh đã sẵn sàng hợp tác. 

Chính trong bối cảnh như vậy, Nga đang hy vọng khối BRICS gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ là đối trọng ảnh hưởng với phương Tây cả về mặt chính trị và kinh tế. Do đó, hội nghị thượng đỉnh tại Fortaleza, Brazil, sẽ là một bước đi chiến lược trong một thời điểm mang tính bước ngoặt của quan hệ quốc tế.  

Cụ thể, các nước thuộc BRICS sẽ thành lập quỹ góp vốn bình ổn gồm các dự trữ tiền tệ của BRICS có tổng số vốn lên tới 100 tỷ USD. Quỹ này sẽ tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

Nói cách khác, quỹ này sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của IMF (hiện đang có tổng số vốn là 369 tỷ USD). Các quốc gia trong BRICS đóng góp theo mức độ khác nhau, như Trung Quốc là 41 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, và Nam Phi là 5 tỷ USD. Tiếp đó, một ngân hàng phát triển mới sẽ được khởi động với mức vốn ban đầu là 50 tỷ USD và mỗi quốc gia đóng góp 10 tỷ USD với chức năng tương tự Ngân hàng Thế giới. 

Dự án này cho phép các quốc gia BRICS xúc tiến lợi ích ở nước ngoài, và đây là cánh cửa dẫn tới một cấp độ chính trị và kinh tế khác. Đồng thời, dự án cũng sẽ giảm đáng kể sự can thiệp của các thị trường tiền tệ vào những quốc gia đang phát triển này, sau khi họ phải chịu một đợt suy giảm nghiêm trọng hồi vài tháng trước.  

Khi ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn gia nhập BRICS, điều quan trọng không kém là thiết lập nên một hệ thống đối tác của BRICS để đối thoại và quan sát.  

Kể từ Hội nghị Durban tháng 3/2013, tình hình quốc tế trải qua một loạt biến đổi cho thấy rõ tính chất đối đầu Đông - Tây, từ vụ việc của Edward Snowden cho tới kết thúc loạt ‘mùa xuân Ả Rập’ ở Ai Cập, Syria, Iraq, và tất nhiên cả khủng hoảng Ukraina. Đối đầu hiện tại giữa Nga và phương Tây, cũng như căng thẳng gia tăng giữa Mỹ - Trung Quốc, đã mở ra một kỷ nguyên địa chính trị mới.  

Theo đó, BRICS được nhiều bên kỳ vọng là sẽ chứng tỏ vai trò như một trung tâm quyền lực mới, một cán cân cho trật tự kinh tế và chính trị quốc tế công bằng hơn, dựa trên các luật chơi ‘không thiên vị’. 

Lê Thu (tổng hợp)