Xuồng không người lái USV (Tiếng Nga - UCB) từng chỉ được coi như “vũ khí của người nghèo”, là vũ khí dành cho những quốc gia không có tiềm lực hải quân mạnh mẽ, nhưng muốn cạnh tranh với các quốc gia hải quân biển sâu. Tuy nhiên, tại Ukraine, lực lượng Hải quân Nga đã từng phải nếm trải những tổn thất to lớn do những chiếc UCB đơn giản thường được triển khai bởi lực lượng đặc nhiệm Ukraine.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các quốc gia phương Tây, Ukraine đã đặt cược vào công nghệ UCB theo phiên bản tự sát (kamikaze). Bằng cách này, Ukraine đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Hạm đội Biển Đen của Nga.

Trong tương lai gần, cuộc cách mạng tương tự có thể sẽ xảy ra với công nghệ UCB, cũng giống như những gì đang diễn ra với công nghệ máy bay không người lái hiện nay. Trước đó, các loại máy bay trực thăng điều khiển từ xa thương mại vốn chỉ được coi là đồ chơi, nhưng hiện nay chúng lại đang là yếu tố có vai trò quyết định trên chiến trường, ít nhất là ở các khu vực chiến thuật. Vì vậy, Nga đang kỳ vọng sẽ sớm chiếm lĩnh ưu thế trong lĩnh vực này.

Xuồng không người lái 1.jpeg
Công nghệ xuồng không người lái – kỳ vọng mới của Nga tại chiến trường Ukraine. Ảnh: RT

Các nhà phát triển Nga đang có kế hoạch đưa vào sản xuất hàng loạt UCB "Katran". Trung tâm Công nghệ và Hệ thống Không người lái (CUTS) đã bàn giao cho Hạm đội Biển Đen những nguyên mẫu đầu tiên để tiến hành thử nghiệm trên thực địa ở Biển Đen, dựa trên kết quả đó, chúng có thể sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Các ưu điểm vượt trội mà nguyên mẫu UCB "Katran" có được là tính năng chống va đập, có khả năng chịu được những con sóng mạnh và có kết cấu thân nhẹ. Loại UCB này được kỳ vọng sẽ có khả năng thực hiện nhiều chức năng khác nhau: tuần tra, trinh sát, giám sát radar, bảo đảm hậu cần và tấn công, bao gồm cả việc sử dụng máy bay không người lái FPV. “Katran” có thể điều khiển trong phạm vi lên tới 1.000 km.

Các nhà phát triển cho biết đã mất khoảng 6 tháng để thử nghiệm và tinh chỉnh “Katran”, và toàn bộ chu trình phát triển mất tới một năm rưỡi. Trong tương lai, họ có kế hoạch sản xuất “Katran” trên quy mô lớn.

"Katran" được thiết kế theo kiểu xuồng ba thân. Thân xuồng là loại khung liền khối nhẹ, chống va đập , với lớp vỏ ngoài là bộ phận chịu lực được làm từ hợp kim nhôm-magiê. Điều cực kỳ quan trọng là khi điều khiển “Katran”, người vận hành được hướng dẫn bởi hình ảnh nhận trực tiếp từ camera trên tàu. Hình ảnh được truyền đi với độ trễ chỉ 1/10 giây.

Về cơ bản, “Katran” có hai biến thể. Khi được lắp các phao phụ để tăng độ ổn định, người sử dụng sẽ có được một hệ thống cho phép bố trí nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả vũ khí hạng nhẹ. Nếu không có phao, chúng sẽ trở thành các “cỗ máy cảm tử” để phóng ngư lôi vào tàu địch, phá hủy các cơ sở ven biển và cầu phà.

“Katran” có thể có các tải trọng khác nhau, cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau ở không gian sông hồ, vùng biển hẹp và lãnh hải, bao gồm tuần tra, an ninh, giám sát radar, rà phá bom mìn, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, thậm chí là sơ tán người bị thương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, điều quan trọng nhất với Nga là sử dụng “Katran” để tiêu diệt tàu nổi, phương tiện vận chuyển đạn dược, thiết bị và thuốc men của đối phương.

Sông Dnieper rõ ràng sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong những năm tới đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. “Katran” có thể trở thành phương tiện chủ lực giúp Nga thiết lập quyền kiểm soát lưu vực nước khá phức tạp này. Với sự trợ giúp của UCB, Nga có thể tổ chức tuần tra một cách có hệ thống, bảo vệ các cơ sở, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị đồn trú trên nhiều đảo và vùng ven biển.

Một ứng dụng cực kỳ hứa hẹn khác của “Katran” là khả năng mang theo và triển khai phóng các máy bay không người lái FPV từ các địa điểm được lựa chọn. Bằng cách tiếp cận này, UCB có khả năng thực hiện hàng chục cuộc tấn công cảm tử đường không với khoảng cách lên tới 100-200 km. Sau khi hạ thủy, UCB sẽ hoạt động như một thiết bị tiếp dẫn tín hiệu điều khiển cho các máy bay không người lái.

Chiến thuật sử dụng máy bay không người lái FPV như vậy sẽ cho phép Quân đội Nga thực hiện các cuộc đột kích phía sau phòng tuyến của đối phương dọc theo sông Dnieper. Các máy bay được phóng từ UCB sẽ có thể phá vỡ hoạt động hậu cần, tấn công các nhà kho, nơi tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của đối phương một cách bí mật, bất ngờ nhất.

Về lâu dài, lực lượng UCB cảm tử của Nga cũng hoàn toàn có khả năng trở thành lực lượng răn đe đối với các nhóm hải quân của kẻ thù tiềm tàng. UCB sẽ được mọi đội tàu ưa chuộng và chi phí vận hành sẽ rẻ hơn nhiều so với tàu nổi có người lái. UCB có khả năng thực hiện chức năng tuần tra, ít nhất là ở vùng biển thuộc lãnh hải, đảm bảo an ninh cũng như hộ tống tàu thuyền tại các cảng quân sự và dân sự. Ngoài ra, UCB cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động phòng thủ mìn và chống phá hoại, đột kích.

Vấn đề lớn nhất của Nga hiện nay là làm thế nào để quản lý một đội UCB đông đảo và tổ chức tương tác giữa chúng với tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Hải quân. Để triển khai UCB và phối hợp trên thực địa cần phải xây dựng hệ thống quản lý giao thông thống nhất cho từng vùng nước riêng lẻ. Ngoài ra, một cấu trúc riêng biệt có thể sẽ hình thành trong Hải quân Nga, tương tự như hệ thống chỉ huy tác chiến bằng máy bay quân sự không người lái trong Quân đội Nga hiện nay.

Nhìn chung, Nga đang kỳ vọng UCB sẽ là một lĩnh vực công nghệ quân sự của tương lai không thể bỏ qua và quyết tâm trở thành một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực này.