Liên minh thoát khỏi USD

Trong khoảng nửa thập kỷ qua, từ đầu năm 2014 nhóm các nước mới nổi đứng đầu là Trung Quốc và Nga đã có những nỗ lực cụ thể nhằm hạ bệ sự thống trị của đồng USD của nước Mỹ. Hàng loạt những thỏa thuận hoán đổi quy mô lớn giữa đồng ruble và Nhân dân tệ (NDT) đã làm giảm phần nào vai trò của đồng USD.

Sau khi đồng NDT được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR) của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10/2016, Trung Quốc tiếp tục có những động thái nâng cao vị thế của đồng NDT.

Trong một cuộc thăm Nga hồi đầu tháng 6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục có một thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ của nhau để thay cho USD trong các hoạt động thương mại song phương.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã có hàng loạt các buổi thảo luận với các nước mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) về việc thành lập hệ thống giao dịch hoán đổi đa phương như một liên minh quốc tế chống USD.

Một số dự báo cho rằng, Trung Quốc có thể sớm khởi động một đồng tiền mới, một rổ tiền tệ có thể gồm tiền tệ của các nước thành viên BRICS và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). 

{keywords}
Ông Donald Trump không thích một đồng USD mạnh.

Hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới của các nước như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela… trong vài năm gần đây kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế để phá vỡ thế độc quyền của Mỹ, thay vào đó là đồng euro hoặc một đồng tiền nào khác. Trung Quốc cũng muốn đưa đồng tiền NDT của mình vào các giao dịch quốc tế và dự trữ ngoại hối của các nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã nói về vấn đề giảm dự trữ ngoại hối bằng đồng USD, thay vào đó là vàng và đồng NDT. Trong quý 1/2019, Nga là quốc gia mua nhiều vàng nhất thế giới. Lượng dự trữ vàng trên toàn cầu trong quý 1/2019 ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ qua.

Gần đây, Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc mua thêm gần 74 tấn vàng, nâng tổng giá trị kho vàng của nước này lên tới gần 80 tỷ USD.

Trong khi Trung Quốc tham vọng xây dựng một hệ thống tiền tệ mới thì châu Âu cũng khao khát đưa đồng euro thoát khỏi thế thống trị của đồng đôla Mỹ suốt 7 thập niên qua. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã lên tiếng mạnh mẽ về sự cần thiết phải khôi phục chủ quyền kinh tế.

Nỗ lực hạ bệ đồng USD đang thuận lợi hơn bao giờ hết khi nước Mỹ ở dưới thời tổng thống Donald Trump, một nhà lãnh đạo coi trọng sức mạnh kinh tế thực sự thay vì những quyền lực mềm mang tính dài hơi và khó nắm bắt. 

{keywords}
Ông Trump thích lợi ích hiện hữu.

Chính sách của ông Trump khá rõ ràng, ông không thích một đồng USD mạnh, mà thay vào đó là cân bằng thương mại và việc làm cho người Mỹ. Hôm 18/6, ông Donald Trump đã đả kích gay gắt trước tín hiệu tiếp tục nới lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ông Trump cho rằng, các biện pháp cắt giảm lãi suất của ECB sẽ giúp đồng euro xuống thấp hơn, qua đó khiến châu Âu cạnh tranh không công bằng với nước Mỹ. Trước đó, vị tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng liên tục cáo buộc Trung Quốc duy trì một đồng NDT yếu, “thao túng tiền tệ”, góp phần gây ra tình trạng nhập siêu ở Mỹ.

Sức mạnh tiềm ẩn đáng nể

Bất chấp nỗ lực hạ bệ đồng USD của nhiều nước cũng như sự thờ ơ của ông Trump, đồng bạc xanh vẫn có xu hướng mạnh lên so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trong bối cảnh bất ổn leo thang ở nhiều nơi.

Hầu hết các giao dịch thương mại quốc tế vẫn được thực hiện bằng đồng USD. Khoảng 60% dự trữ ngoại tệ ở các nước vẫn là bằng đồng USD. So với thời kỳ cao điểm 90% trong quá khứ, vị thế của đồng USD rõ ràng đã giảm nhưng con số 60% vẫn thực sự lớn và nó mang lại một lợi thế cho nước Mỹ.

Trong thời gian gần đây, không ít chuyên gia, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel kinh tế lo ngại cho rằng trong tương lai đồng USD có thể bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi vị thế số 1 và được thay thế bằng một đơn vị tiền tệ khác. 

{keywords}
Nước Mỹ và đồng tiền Bitcoin.

Giới đầu tư từng nhắc đến đồng yen của Nhật, đồng euro của châu Âu và SDR (quyền rút vốn đặc biệt) với sự có mặt của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế cả 3 đồng tiền này vẫn chưa khẳng định được sức mạnh của mình.

Với yen Nhật, từ lâu chính quyền Tokyo không có ý muốn đưa đồng tiền nước này lên vị trí hàng đầu quốc tế bởi nó khiến cho nền kinh tế Nhật vốn đang giậm chân tại chỗ sẽ khó lòng xoay sở hơn nếu đồng tiền này tăng giá trị.

Đồng euro trong khi đó đang có dấu hiệu mất dần vị thế do cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại một số nước như Hy Lạp, Italia, Pháp… đe dọa tương lai đồng tiền này. Quyết định rút lui của nước Anh khỏi khu vực EU, cùng với sự bất nhất trong chính sách phát hành trái phiếu của các nước thành viên… đã làm hạn chế tính thanh khoản và độ tin cậy của đồng tiền này.

SDR trong khi đó không phải là đơn vị tiền tệ mà trên thực tế chỉ là đơn vị kế toán (accounting unit), chỉ tồn tại trên sổ sách kế toán, không có chính phủ nào đứng đằng sau và hầu như không được sử dụng trên thị trường tài chính quốc tế.

Gần đây, thế giới chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ trở lại của bitcoin và một số đồng tiền ảo khác. Đây chính là những đồng tiền từng được đánh giá có thể đe dọa vai trò của đồng bạc xanh. 

{keywords}
Sức mạnh công nghệ tiềm ẩn.

Sau một thời gian giảm giá dữ dội, trong vài tháng gần đây dông tiền bitcoin đã tăng trở lại, tăng khoảng 150% (tương đương 2,5 lần) kể từ đầu năm tới nay và đã vượt mức 9.300 USD. Nhiều đồng tiền ảo khác cũng đang tăng mạnh.

Trong thời đại 4.0 mà có thể con người sẽ giao tiếp với máy móc thì các đồng tiền số có thể chính là đối thủ đáng gờm đối với sức mạnh của đồng USD. Về lý thuyết, tiền ảo có thể cho phép tạo ra những cơ sở dữ liệu hiệu quả hơn, giao dịch nhanh chóng và minh bạch hơn. Tiền ảo được đánh giá thậm chí còn “tốt hơn vàng”.

Tuy nhiên, việc các đồng tiền ảo tăng giá trở lại trong thời gian gần đây lại gắn chặt với việc mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook của Mỹ cho ra mắt đồng tiền số mới có tên gọi Libra, một đồng tiền được liên kết với các đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán như Visa, Stripe, PayPal và Mercado Pago. Đây phần lớn đều là các công ty Mỹ.

Đế chế Facebook của Mỹ dần để lộ một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra hệ thống tài chính và tiền tệ kỹ thuật số có thể thay đổi cách thức con người sử dụng tiền tệ. Mục tiêu của Facebook là tạo ra các dịch vụ để người tiêu dùng trên toàn thế giới có thể gửi tiền cho nhau một cách dễ dàng và miễn phí, dựa trên nền tảng hàng tỷ người dùng hiện nay.

Một lần nữa người Mỹ lại đi đầu. Trong khi nhiều nước, trong đó có Trung Quốc vẫn theo hướng chấn áp và chống lại thị trường tiền điện tử thì tương lai nếu có một đồng tiền số cho thời công nghệ 4.0, nhiều khả năng sẽ lại của người Mỹ. Quyền lực mềm của nước Mỹ vẫn khá lớn mạnh, đủ sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới, bao gồm cả châu Á.

M. Hà