Theo hãng tin RT, đây là tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergey Naryshkin tại cuộc họp với quan chức đứng đầu các cơ quan an ninh CIS tại Astana, Kazakhstan.
Ông Naryshkin cho biết cầu Crưm nối bán đảo Crưm với đất liền Nga đã nhiều lần bị Ukraine tấn công. Theo ông, cây cầu có khả năng sẽ là mục tiêu tấn công của các tên lửa Storm Shadow mà Anh cung cấp cho Kiev.
Cũng theo ông Naryshkin, Ukraine đã sử dụng các hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bán đảo Crưm. Điển hình, trong tháng 6, quân đội Ukraine đã dùng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công Crưm, khiến 4 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương trên một bãi biển ở thành phố cảng Sevastopol.
Vị quan chức Nga còn nhắc lại lời Giám đốc CIA William Burns từng nói trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ rằng, viện trợ quân sự của Washington cho Kiev nhằm giúp Ukraine "gây ra thiệt hại hữu hình cho Nga" bao gồm "các cuộc tấn công xuyên thủng Crưm".
Cầu Crưm được xây dựng từ năm 2016-2018, sau khi bán đảo Crưm chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014. Đây từng là tuyến đường duy nhất nối bán đảo Crưm và đất liền Nga. Sau đó, Moscow đã xây thêm cây cầu lớn trên đất liền dẫn tới Crimea, sau khi các khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng tại Ukraine sáp nhập vào lãnh thổ Nga trong mùa thu năm 2022.
Tuy nhiên, Kiev vẫn tuyên bố chủ quyền đối với bán đảo Crưm, cũng như tìm cách phá hủy cầu Crưm trước cáo buộc Moscow đã xây dựng bất hợp pháp.
Vào đầu năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, Kiev "thực sự muốn phá hủy" cầu Crưm, cũng như các cơ sở hạ tầng khác của Nga.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022, cầu Crưm đã nhiều lần bị tên lửa và xuồng không người lái (USV) tấn công. Vào tháng 10/2022, một chiếc xe tải chở thuốc nổ đã phát nổ trên cầu, gây ra thiệt hại lớn cho cây cầu, và cướp đi sinh mạng của 3 người. Vào tháng 7/2023, một cuộc tấn công bằng USV cũng đã làm hư hại cấu trúc cầu, và khiến 2 người thiệt mạng.