Đài RT trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ tấn công diễn ra vào ngày 15/1, sử dụng các vũ khí có độ chính xác cao và máy bay không người lái (UAV). Nhà chức trách Nga khẳng định đã đạt được mọi mục tiêu đề ra trong vụ tập kích này.
Theo các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều nhân chứng kể đã nghe thấy hàng loạt tiếng nổ ở các vùng Khmelnitsky, Vinnitsa, Ivano-Frankovsk, Lviv và Kharkiv của Ukraine vào sáng 15/1. Công ty năng lượng quốc doanh Ukrenergo của Ukraine sau đó thông tin, vì "vụ tấn công tên lửa quy mô lớn", Kharkiv, Sumy, Poltava, Dnepropetrovsk và một số khu vực khác đã phải đối mặt tình trạng mất điện khẩn cấp.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma quốc gia (Hạ viện Nga) Andrey Kartapolov phát biểu trên kênh Telegram Vy Slushali Mayak rằng, mọi người “không nên ngạc nhiên" khi cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đang bị nhắm mục tiêu sau khi các lực lượng Kiev cố gắng phá hủy hệ thống đường ống dẫn khí đốt TurkStream bên trong lãnh thổ Nga.
Mỹ áp trừng phạt mới chống Moscow
Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/1 đã đưa thêm Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) lớn nhất châu Âu ở Ukraine vào danh sách các công ty và cá nhân liên quan đến Nga, bị áp trừng phạt vì cuộc xung đột Moscow - Kiev.
Nhà máy ZNPP gồm 6 lò phản ứng đã nằm dưới sự kiểm soát của Moscow kể từ tháng 3/2022. Khoảng 6 tháng sau, vùng Zaporizhzhia sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý không được cả Ukraine và Mỹ công nhận.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo giải thích, việc mở rộng các lệnh trừng phạt thứ cấp bắt buộc như trên “sẽ làm giảm khả năng tiếp cận doanh thu và hàng hóa của Nga", đồng thời cản trở Moscow thu mua các vật phẩm cần thiết để chế tạo vũ khí cho xung đột. Tuy nhiên, hãng tin Tass dẫn lời phát ngôn viên của nhà máy ZNPP khẳng định cơ sở này vẫn hoạt động an toàn và công việc của các nhân viên sẽ không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào khi Mỹ áp trừng phạt.