Hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cáo buộc Mỹ đang cố gắng duy trì sự thống trị trên thế giới bằng mọi giá, và tìm cách gây ra thất bại chiến lược cho Nga.
Theo hãng tin RT, hôm 1/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay sự nhất trí trong quan điểm "chống Nga" của lưỡng đảng Mỹ đã khiến “Nga phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ".
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này theo mọi khía cạnh. Chúng tôi đang gửi mọi tín hiệu cảnh báo đến đối phương để họ không đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi", ông Ryabkov nói.
Quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ vốn trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Song quan hệ hai nước đã bị giáng một đòn nghiêm trọng vào năm 2014, khi bán đảo Crưm thuộc Ukraine tổ chức bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga, và xung đột bùng nổ ở khu vực Donbass của Ukraine. Washington và các đồng minh đã đáp trả bằng cách áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Moscow.
Số lệnh trừng phạt còn tăng đột biến, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Nhà Trắng còn cung cấp viện trợ kinh tế, và quân sự cho Kiev. Nhiều quan chức Nga cáo buộc, Washington đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc giao tranh đang diễn ra giữa quân đội Nga và Ukraine.
Đáng nói, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở, khi ông Donald Trump còn là Tổng thống Mỹ. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) đến năm 2026. Song vào năm 2023, Moscow đã đình chỉ tham gia New START với lý do Mỹ đóng vai trò trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Vào tuần trước, Tổng thống Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga, và đề xuất các quy tắc mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với các mối đe dọa mới từ phương Tây.