- Người nghệ sỹ say sưa hát trên sân khấu, những bản nhạc bay bổng của âm nhạc Việt thời mới bén duyên với văn hóa phương Tây, có lúc ông dừng lại kể một câu chuyện, lúc vui, lúc buồn, buồn đến rơi nước mắt. Thật hiếm hoi vào thời này mà còn thấy những sự nghẹn ngào dâng lên trên sân khấu và khán phòng.
Hàng tuần ba tối, thứ hai, thứ năm và thứ bảy, quán cà phê nhỏ ven hồ Tây mang lên Lộc Vàng lại đông khán giả - khách hàng hơn ngày thường. Họ đến để nghe “ông Lộc Vàng” hát “nhạc vàng”. Không gian quán Lộc Vàng giản dị với những bức ảnh trên tường là các nhạc sỹ nổi tiếng của dòng nhạc tiền chiến, đặc biệt là Đoàn Chuẩn.
Những âm thanh mượt mà, sâu lắng mà bay bổng của các Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Lâm Tuyền, Văn Cao… vang lên theo một cách rất xưa, đưa người nghe về một thời xa xăm, một thời lãng mạn.
Người đến xem đủ mọi lứa tuổi, từ những bạn trẻ yêu nhạc xưa cho đến những người trung niên, cao tuổi. Họ ngồi đó và thưởng thức những lời ca tiếng đàn mộc mạc nhưng không hề dễ dãi của một con người cả một đời hát vì đam mê. Đây cũng là một trong những nơi hiếm hoi mà người hâm mộ tìm đến để nghe nhạc chứ không phải để “xem” nhạc.
Lộc Vàng khó tính, ông chỉ chọn những người hát cùng có khả năng chuyển tải cái thần của bài hát theo cách xưa, hát tròn trịa từng câu chữ và đặc biệt là hát đúng lời nguyên bản. Nhìn ông vui sống, vui hát bây giờ ít ai có thể ngờ rằng cuộc đời ông lại long đong đến thế, ít ai có thể ngờ, yêu âm nhạc lại là một cái “tội”.
Lộc Vàng là nghệ danh của Nguyễn Văn Lộc, con của một chủ thầu xây dựng lớn bậc nhất Hà Thành ngày xưa. Từ bé, ông đã sống trong môi trường âm nhạc từ chèo, tuồng, cải lương cho đến tân nhạc. Cha ông còn giảng dạy âm nhạc cho nhiều nghệ sỹ trẻ thời bấy giờ. Ông sớm yêu những giai điệu mượt mà, quyến rũ của dòng nhạc tiền chiến và say sưa hát cùng với những người bạn của mình, hát cho nhau nghe. Ông có người yêu là diễn viên ở đoàn tuồng và hai người đang tính chuyện tương lai.
'Niệm Khúc cuối' - NS Lộc Vàng
Nhưng ai có thể ngờ, tình yêu âm nhạc lại dẫn ông đến một ngã rẽ oan nghiệt của cuộc đời. Những năm 1970, nhạc tiền chiến bị đánh đồng với nhạc vàng, uỷ mị, không được coi là một giá trị cần phổ biến. Ông và những người bạn bị kết án nhiều năm tù. Ra tù, ông lập gia đình và bôn ba khắp nơi, làm nhiều nghề để đi qua những khó khăn của thời đại.
Khi đã ổn định ít nhiều, ông tính chuyện mở quán. Ông xoay xở mở quán cà phê ca nhạc với ước mong mang tiếng hát đến với công chúng nhưng lần nào cũng thất bại, phần lớn là do chuyện lý lịch. Quán cà phê nhỏ giờ đây là thành quả của nhiều năm nỗ lực của ông và bạn bè. Ít ai biết được ông vẫn những công việc khác ngoài ca hát để lấy tiền duy trì quán.
Lộc Vàng giờ đây đã trở thành một “thương hiệu” và người nghe có thể dễ dàng tìm thấy các phần biểu diễn của ông trên Youtube, Facebook và cả một blog về cuộc đời và tình yêu của ông với âm nhạc. Giờ đây, ông đã có niềm vui được mang tiếng hát của mình tới công chúng không chỉ ở quán của mình mà còn ở nhiều địa điểm ca nhạc, trung tâm văn hóa, chương trình kỷ niệm các nhạc sỹ danh tiếng.
Mỗi tối thứ sáu cuối cùng của tháng, giọng ca Lộc Vàng lại vang lên trong không gian văn hóa Heritage Space – Dolphin Plaza (Hà Nội). Có thể ông hát solo, cũng có thể hát với những người bạn. Đặc biệt trong chương trình về Đoàn Chuẩn – Từ Linh vừa qua tại đây, ông đã cùng trình diễn với nghệ sỹ đàn guitar Hawai Đoàn Đính – con trai của cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ông cũng được mời tham gia đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn tại Hà Nội vừa qua.
Thi hào Nguyễn Du có câu: 'Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng nên trách trời gần trời xa". Lộc Vàng nói : "Tôi chẳng bao giờ trách trời gần trời xa! Sống hết mình, tin vào mình, tin vào tình yêu âm nhạc của mình, bạn sẽ là người hạnh phúc".
Nguyễn Đình Thành