Khi năm học mới đã diễn ra 2 tháng, câu chuyện thiếu giáo viên lại được nhắc tới và trở thành vấn đề tại nhiều địa phương, thậm chí như Thanh Hóa phải dừng một số môn học vì không có giáo viên dạy. 

Trước khi giải bài toán thiếu giáo viên, chúng ta thử nghĩ tới giải pháp làm thế nào để tuyển đủ giáo viên, và quan trọng hơn là tuyển được giáo viên thực sự giỏi.

Theo tôi, khi đưa đề án tuyển dụng, nhà trường cần dựa trên một số yêu cầu như: Tình hình thực tế, nguồn nhân lực có thể tuyển.

Về tình hình thực tế:

Tôi xin đưa ra một số ví dụ từ cuộc sống:

Tôi có một người bạn ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Toán của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, bằng trung bình. Với mức này, anh không thể dự thi công chức của sở GD-ĐT nên đã chọn làm gia sư Toán.

Do có tư duy, được đào tạo ở môi trường tốt, có tâm, anh dần trở thành một gia sư Toán có tiếng ở Hà Nội, với thu nhập rất cao. Anh thậm chí đã mua được mấy căn nhà, cho con đi du học ở Mỹ từ cấp 3.

Rõ ràng, thị trường quyết định tất cả. Anh thu nhập cao nhiều năm bằng khả năng của mình hiển nhiên phải giỏi. Dù vậy, anh sẽ bị loại “từ vòng gửi xe” vì không đủ tiêu chí để nộp hồ sơ, chưa nói được tuyển dụng vào ngành giáo dục của thủ đô.

Ví dụ thứ 2 là về giáo dục ở Bắc Ninh quê tôi. Bắc Ninh thường ở top đầu cả nước về chất lượng giáo dục, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây là minh chứng. Trường THPT nơi tôi công tác là một trong những trường top đầu Bắc Ninh về chất lượng giáo dục. Dù vậy, giáo viên trường tôi không ai tốt nghiệp đại học loại xuất sắc hay đoạt giải Olympic.

Hai ví dụ này cho thấy: không cứ phải tốt nghiệp đại học xuất sắc, đoạt giải cao mới có thể là giáo viên có năng lực. Một giáo viên giỏi ngoài năng lực chuyên môn còn cần nhiều yếu tố khác.

Nhà báo Thomas Friedman đã viết rất đúng trong cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng: "Khi rời trường phổ thông, chúng ta sẽ không nhớ ai đã giúp mình giải bài toán khó mà thường chỉ nhớ người hướng cho ta giải được bài toán đó". Ngoài ra, giáo viên chúng tôi luôn thuộc nằm lòng câu nói của nhà văn Mỹ William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng…”.

Về nguồn nhân lực có thể tuyển dụng:

Quan sát tình hình giáo dục nước nhà, mọi người dễ thấy, chỉ vài năm gần đây, nhiều người giỏi mới chọn vào sư phạm.

Tại các trường cung cấp nguồn giáo viên giỏi như đại học Sư phạm, đại học Khoa học Tự nhiên... sinh viên thường phải học rất nghiêm túc. Đặc biệt với chuyên ngành tự nhiên, lượng kiến thức nhiều, khó nên số sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc thường hiếm. Việc tuyển dụng được ứng viên đó khó khả thi bởi họ thường đã được giữ lại làm giảng viên, hoặc được trường dân lập nổi tiếng hay trường có yếu tố nước ngoài "săn" về.

Hiện nay, nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới tuyển dụng ứng viên không cần bằng cấp, chỉ quan trọng có làm được việc không. Nếu cứ đặt ra tiêu chí đạt bằng này, giải kia với ứng viên, vô tình đã loại ngay từ đầu người có thể làm được việc.

Cách tuyển dụng giáo viên giỏi 

Giáo viên cần giỏi nhưng phải thực chất. Tôi xin chia sẻ cách tuyển dụng đơn giản, hiệu quả, được một trường phổ thông dân lập có tiếng ở Hà Nội áp dụng khá lâu: Cho phép tất cả giáo viên dạy Toán THPT dù có bằng trung bình, khá, giỏi, xuất sắc đều được dự tuyển, chỉ cần tốt nghiệp chuyên ngành phù hợp. 

Ứng viên làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Toán mấy năm gần đây như một học sinh bình thường. Nếu đạt từ 8 điểm trở lên, ứng viên qua vòng 1. Ở vòng 2, ứng viên được bố trí dạy 2 tiết cho một lớp, nếu 80% trở nên học sinh trong lớp đánh giá thầy/cô dạy tốt, ứng viên qua vòng 2 - và được tuyển dụng.

Với cách này, từ nhiều năm, nhà trường luôn tuyển được giáo viên có trình độ chuyên môn tốt và kỹ năng sư phạm cao, và nhờ đó điểm thi tốt nghiệp THPT của học sinh luôn thuộc top thủ đô.

Chúng ta có thể tham khảo cách trên để nhân rộng. Cần linh hoạt để tuyển được nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành giáo dục. Bên cạnh đó khâu tuyển dụng phải công bố công khai, rộng rãi và minh bạch.

Thực tế, hồi tháng 3, Bộ GD-ĐT đề xuất những địa phương thiếu giáo viên có thể tuyển người tốt nghiệp cao đẳng để dạy một số môn học. Sự cầu thị, linh hoạt này của cơ quan chủ quản rất có thể giúp ngành giáo dục giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tuyển dụng được nhiều người giỏi.

Phạm Xuân Anh (Giáo viên THPT ở Bắc Ninh)

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi về email: [email protected]. Xin cảm ơn!