Choáng với tập đoàn 10.000 tỷ đồng

Mới đây, Cơ quan CSĐT vừa ra quyết định tạm giữ khẩn cấp một số lãnh đạo của Công ty Cổ phần tập đoàn Thời gian vàng (gọi tắt Tập đoàn Gold Time) để điều tra, làm rõ hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thu lợi bất chính và có dấu hiệu vi phạm vào Điều 217a Bộ luật Hình sự.

{keywords}
Tập đoàn Gold Time​ đã phát triển mạng lưới 400 nghìn thành viên, vươn “vòi” về tới nhiều làng quê xa xôi

Thực tế, Tập đoàn Gold Time không mua bán, sản xuất bất cứ thứ gì chỉ tập trung chủ yếu vào việc lôi kéo người dân tham gia mua phân quyền kinh doanh. Cụ thể, công ty “dụ dỗ” người dân với chính sách mua thương hiệu cafe Gold Time với giá 3 triệu đồng được tặng cổ phần, hưởng cổ tức hàng tháng. Nhà đầu tư có thể phân phối hàng hóa, được giao dịch tại sàn nội bộ.

Như vậy, nguồn thu chủ yếu đến từ việc lôi kéo người dân tham gia mua phân quyền kinh doanh. Việc phát triển mạng lưới thành viên dưới dạng mô hình nhánh, cành với cơ chế trả thưởng hấp dẫn.

Ghi nhận trong thời gian hoạt động gần 2 năm, Tập đoàn Gold Time​ đã phát triển mạng lưới 400 nghìn thành viên, vươn “vòi” về tới tận làng quê và thôn xóm ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Đặc biệt, ông Nguyễn Khắc Đồi, Chủ tịch HĐQT Gold Time luôn khoe tập đoàn có số vốn 10 nghìn tỷ đồng để dụ dỗ các nhà đầu tư xuống tiền. Tuy nhiên, tính đến nay tập đoàn này chỉ có 4 cổ đông tham gia góp vốn với số vốn 20 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 28/11/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước từng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt sáu bị cáo với tổng mức án 50 năm tù do hành vi lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp tại công ty cổ phần Ðầu tư thương mại dịch vụ Sức Mạnh Việt, chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng của 12 bị hại. Ngoài ra, các đại án như Công ty Liên Việt, địa ốc Alibaba,... cũng từng lừa đảo hàng trăm người với số tiền chiếm đoạt lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, mặc dù báo chí đã phản ánh rất nhiều trường hợp tán gia, bại sản do dễ dàng tin vào các trò lừa lọc trên mạng internet; theo đó là rất nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước, thế nhưng hiện vẫn đang còn rất nhiều người tin mình sẽ thành triệu phú đô la. Nguyên nhân bắt đầu từ lòng tham, nhiều người đã bị mê hoặc trước lời mời mọc “có cánh”, cảm thấy chuyện làm giàu bỗng khá đơn giản... nhưng kỳ thực chỉ là “bánh vẽ”.

Mờ mắt với “bánh vẽ” hoa hồng 90%

Còn nhớ, trên một số trang mạng từng có khá nhiều người phải trầm trồ với mức trả hoa hồng “khủng” đến 90% khi mời bán thành công gói sản phẩm của Công ty BeeGroup – một công ty được giới thiệu là có trụ sở ở Singapore.

Theo lời người tư vấn tên Tuyền trên một group học làm giàu, khi sở hữu 1 gói sản phẩm, ngay trong đơn hàng đầu tiên thôi, người tham gia đã huề vốn đầu tư ban đầu; đơn hàng tiếp theo, bắt đầu có thu nhập thụ động, và đơn hàng thứ ba, sẽ tự do tài chính.

“Dù BeeGroup mới ra mắt vào đầu tháng 9/2019 nhưng sau hơn 1 tháng đã có người chơi “bứt phá” và đạt được thu nhập “khủng”, tậu được xe “Mec”; nhiều khách hàng có thu nhập 30.000 USD và hàng trăm người khác thu nhập từ 5.000 - 20.000 USD, đơn giản như trở bàn tay đó mà!”, nhân viên tên Tuyền nhắn qua tin nhắn mời mọc.  

Tuy nhiên, một số người từng bị rủ rê tham gia “trò làm giàu” này đã sớm nhận diện được bản chất câu chuyện sau những lời chào mời, tiếp thị “có cánh”.

{keywords}
Những khóa học không phải để học mà mục đích mở ra nhằm lôi kéo người khác tham gia để “ăn” 90% hoa hồng

Nguyễn Linh Ý (nhà trên đường Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, khi tiếp thị, họ rủ rê anh em, bạn bè mua khóa học nhưng thật ra, không phải để học mà là để “ăn” 90% tiền doanh thu bán khóa học. “Theo tôi, khóa học này không có giá trị gì ở đây cả. Nó chỉ là vật ngang giá được đưa ra để tạo cảm giác như đây là 1 trang học trực tuyến thật.

Và cách các nhà tiếp thị rêu rao mời gọi mọi người mua khóa học không phải là khóa học mà thực tế, trên facebook/youtube họ toàn viết bài khoe tiền bán khóa học, khoe cơ hội làm giàu, khoe hoa hồng “khủng”, khoe kiếm "240 triệu trong vòng 24h", "hãy làm giàu cùng với tôi bằng cách đi bán khóa học và ăn tới 90% hoa hồng”. Nếu thực sự kinh doanh lời 90% cho mỗi đơn hàng thì còn học hành làm gì nữa, cứ thế mà... lùa anh em, người thân vào thôi cho nhanh thành triệu phú đô la”, chị Linh Ý nói.

Chị N.A ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ,việc đăng ký khóa học dường như chỉ đưa ra để “che mắt” việc kinh doanh khóa học theo kiểu đa cấp đa tầng, nghĩa là giới thiệu càng nhiều người tham gia sẽ càng có nhiều thu nhập.

Các khóa học được giới thiệu sẽ giúp các học viên gia tăng khả năng tạo nguồn thu nhập thụ động bền vững đã đánh vào “lòng tham” và thuyết phục được nhiều người tham gia.

“Thực chất đây chỉ là “bình cũ rượu mới, bổn cũ soạn lại”, rất giống các chương trình kiểu “lừa đảo ponzi” (đặt theo tên của C. Ponzi - ông trùm lừa đảo tín dụng đa cấp) trước đây”, chị N.A nói thêm.

“Không có công việc nào làm giàu dễ dàng mà tốn ít công sức”

Thống kê từ cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, tính đến tháng 9/2019 trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên bằng nhiều cách, các công ty có kinh doanh mô hình đa cấp vẫn “lách luật” để hoạt động.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, về hình thức các khái niệm “phân quyền kinh doanh” hay “nhượng quyền thương hiệu” chỉ là cách nói khác đi của các công ty đa cấp, nếu như nó vẫn hoạt động theo mô hình ponzi thì vẫn là đa cấp.

“Chính bởi vì không đi theo hướng kinh doanh đa cấp bài bản, hợp pháp nên các công ty này không xin cấp phép từ bộ Công Thương mà lại xin giấy phép từ bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hình thức kinh doanh hợp pháp khác, sau đó tìm cách lái sang hướng kinh doanh đa cấp kiểu biến tướng lừa đảo” – Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Và hậu quả cho những nhà đầu tư ngây thơ là tiếp tục bị “hút máu”, khánh kiệt, thậm chí vướng vòng lao lý.

Trước biến tướng phức tạp của lừa đảo kinh doanh đa cấp, lời khuyên của các chuyên gia đó là, tuyệt đối không đầu tư vào lĩnh vực, mặt hàng không được pháp luật Việt Nam công nhận hay lĩnh vực doanh nghiệp chưa đăng ký kinh doanh.

Nếu thấy sự tăng trưởng đáng ngờ của doanh nghiệp, những lời mời chào huy động vốn, hoa hồng cao bất thường không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, không có hoạt động làm giàu nào lại dễ dàng, tốn ít công sức, ngoại trừ các thủ đoạn lừa đảo chiếm dụng tài sản người khác.

(Theo Dân Việt)