Hãng tin Interfax dẫn lời ông Parmon nói: "Vấn đề chính ở Nga là: Trong vòng 5 năm qua, chỉ có Nga - không có quốc gia nào khác - đã mất nhiều người làm trong lĩnh vực khoa học như vậy. Nga mất 50.000 người. Hiện giờ, khi tất cả mọi người đang nói về chủ quyền công nghệ và tương lai phụ thuộc vào công nghệ chuyên sâu về khoa học, thì vấn đề là nước Nga - với tư cách là một quốc gia - lại đang bỏ lỡ những người có thể làm được điều đó".
Ông Parmon kêu gọi tăng khoảng 3 lần kinh phí nghiên cứu của Nhà nước để thu hút những người có năng lực trở lại nghiên cứu khoa học và đạt ít nhất xấp xỉ mức trung bình của các quốc gia phát triển về công nghệ. "Chúng tôi hy vọng lãnh đạo đất nước, chủ yếu là Bộ Tài chính và Hạ viện, lắng nghe yêu cầu của Viện Hàn lâm khoa học".
Tuyên bố của ông Parmon được đưa ra sau khi các nhà khoa học của Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng thuộc chi nhánh Siberia của RAS công bố một bức thư ngỏ gửi chính quyền về việc bắt giữ 3 nhà khoa học với cáo buộc phản quốc. Các nhà khoa học cảnh báo rằng, các vụ án hình sự có nguy cơ cản trở những tiến bộ của Nga trong lĩnh vực siêu vượt âm.
Theo các nhà khoa học, việc này đang ảnh hưởng tới các nhà khoa học trẻ.
Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Moscow Viktor Sadovnichy hồi tháng 4 nói, số lượng các nhà khoa học dưới 30 tuổi ở Nga đã giảm 25% trong 10 năm qua. Năm 2021, tổng số các nhà khoa học ở Nga đã giảm xuống mức thấp lịch sử là 341.000 người, Viện Nghiên cứu Thống kê và Kinh tế Tri thức thuộc Trường kinh tế ở Moscow cho biết.
Vào thời điểm Liên Xô tan rã, Nga có 992.000 nhà nghiên cứu khoa học. Đây là con số nhà khoa học cao nhất thế giới.