Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun cho rằng Triều Tiên có thể đã gửi binh sĩ đến chiến đấu cho Nga, sau khi Bình Nhưỡng ký kết hiệp ước an ninh chung với Moscow. Ông Kim Yong-hyun mô tả khả năng Triều Tiên triển khai quân là "rất có thể", và cho biết một số binh sĩ Triều Tiên có thể đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Bình luận về thông tin trên, hôm 10/10, ông Peskov nhấn mạnh "chuyện này giống như một trò lừa bịp".
Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Hiệp ước này sẽ thay thế một số thỏa thuận trước đây giữa Nga và Triều Tiên. Hiệp ước còn có điều khoản về việc Nga – Triều Tiên hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nhưng chỉ trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công nhằm vào một trong hai bên.
Mocsow từng tuyên bố hiệp ước mới giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào Hàn Quốc, hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác. Song Nga cho rằng, đây là "một dạng cảnh báo" đối với những quốc gia cân nhắc dùng biện pháp quân sự để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Hàn Quốc đã nhiều lần nhắc tới việc binh sĩ Triều Tiên có thể đã tham gia vào hoạt động quân sự của Nga.
Song phía Nga đã bác bỏ các cáo buộc trên. Thậm chí, hồi tháng 9, Tổng thống Putin tuyên bố những thông tin về việc tình nguyện viên Triều Tiên được điều đi để chiến đấu chống lại Ukraine là "hoàn toàn vô nghĩa".
Tiêm kích MiG-31K của Nga tái xuất ở Belarus
Theo tờ Kyiv Independent, nhóm giám sát quân sự độc lập Belaruski Hajun cho hay tiêm kích đánh chặn MiG-31K thứ hai của Nga có khả năng mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã hạ cánh xuống sân bay Machulishchy của Belarus hôm 10/10.
Trước đó, chiếc MiG-31K đầu tiên của Nga cũng đã hạ cánh xuống sân bay Machulishchy vào ngày 9/10. Đây là lần đầu tiên MiG-31K của Nga xuất hiện ở Belarus kể từ tháng 4/2023, khi 3 chiếc MiG-31K rời khỏi Belarus.
Moscow từng bố trí một số máy bay MiG-31K tại Belarus, sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, Nga thường xuyên điều tiêm kích MiG-31K từ các sân bay trên lãnh thổ quốc gia để thực hiện hoạt động tấn công Ukraine.
Tên lửa siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal rất khó bị đánh chặn, và bắn hạ. Phạm vi hoạt động của Kinzhal là khoảng 2.000km. Điều này có nghĩa toàn bộ lãnh thổ Ukraine sẽ gặp rủi ro, nếu tên lửa Kinzhal được phóng từ không phận Nga.
Hồi tháng 1, Không quân Ukraine cho biết các hệ thống phòng không nước này đã đánh chặn được 25/63 tên lửa Kinzhal mà Nga phóng đi, kể từ khi hai nước bùng nổ xung đột.