Theo RT, trong ngày 28/3, ông Anatoly Antonov - Đại sứ Nga tại Mỹ nói rằng: "Những chỉ trích của Washington nhắm vào kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga là ví dụ tiêu biểu cho sự 'đạo đức giả'. Trong 6 thập kỷ qua, Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia phi hạt nhân là Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Dường như luôn có tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại của Washington".
Trong bình luận của mình, ông Antonov đã nhắc lại việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2002, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2009 và Hiệp ước Bầu trời mở năm 2020. Ngoài ra, quan chức Nga cũng cáo buộc Mỹ "không tuân thủ các giới hạn về kho vũ khí hạt nhân của hiệp ước New START".
Vào tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo về việc Nga sẽ chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus trong năm 2023. Quyết định của chủ nhân Điện Kremlin được đưa ra sau khi Anh thông báo viện trợ đạn có chứa uranium nghèo cho Ukraine.
Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, được thiết kế để tấn công các cứ điểm trọng yếu của đối thủ ở tiền tuyến. Khác với tên lửa đạn đạo và bom hạt nhân, vũ khí hạt nhân chiến thuật không được sử dụng để gây ra thiệt hại trên diện rộng.