Theo thỏa thuận được ký vào tháng 10/1993, Nhật Bản cam kết giúp Nga tháo dỡ phần lớn kho vũ khí nguyên tử có từ trước năm 1991 và giúp giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh.
Trong thông cáo phát đi ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Nga cho hay: “Thỏa thuận giữa Chính phủ Nga và Chính phủ Nhật Bản về hợp tác tháo dỡ vũ khí hạt nhân cần cắt giảm, được ký tại Tokyo vào ngày 13/10/1993, đã hết hiệu lực kể từ ngày 21/5/2024”.
Theo đài RT, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã công bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận vào tháng 11 năm ngoái, kích hoạt quá trình kéo dài 6 tháng. Moscow khẳng định không thể tiếp tục hợp tác với một quốc gia không thân thiện về các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nga, “trong bối cảnh chính sách chống Nga công khai của chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio”.
Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi “việc cắt đứt quan hệ này là lựa chọn của phía Nhật Bản”.
Quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau khi Nhật Bản lên án Nga và cùng Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) áp các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine. Hồi tháng 3, Tokyo đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của 4 khu vực mới sáp nhập vào Nga sau trưng cầu dân ý tháng 9/2022, khi tham gia cuộc bầu cử tổng thống của xứ sở bạch dương.
Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt Thế chiến thứ hai. Các cuộc đàm phán hòa bình đã bị hủy bỏ vào tháng 3/2022 sau khi Tokyo áp trừng phạt Moscow.
Nhật Bản đã yêu cầu Nga trả lại 4 đảo thuộc quần đảo Kuril. Trong khi đó, Nga lập luận rằng, chủ quyền của họ đối với các vùng lãnh thổ này được đảm bảo bởi các thỏa thuận sau Thế chiến thứ 2.