Theo hãng thông tấn Reuters, tuyên bố chung của các lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada cho biết, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và bị tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo các đòn trừng phạt cao nhất dành cho Nga sẽ còn nghiêm trọng hơn SWIFT.
Vậy SWIFT là gì, và việc bị loại khỏi hệ thống này ảnh hưởng như thế nào đối với Nga và những nước khác?
Biểu tượng của SWIFT trước nền cờ Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters |
‘Mạng xã hội dành cho các ngân hàng’
SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Được thành lập năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ, SWIFT chịu sự giám sát của ngân hàng trung ương thuộc nhóm các nước G10 (Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh, Mỹ, Thụy Sĩ và Thụy Điển), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Quốc gia Bỉ. Trong đó, quyền giám sát chính thuộc về Ngân hàng Quốc gia Bỉ.
Với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế, và được hàng nghìn tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia, trong đó có cả Nga, sử dụng.
Tính riêng trong năm 2021, SWIFT đã nhận được trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày. Hàng nghìn tỷ USD đã được giao dịch thông qua hệ thống này mỗi năm. Alexandra Vacroux, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Nga và khu vực Á-Âu thuộc Đại học Harvard (Mỹ), đã ví SWIFT giống như một "mạng xã hội dành cho các ngân hàng".
Hậu quả khi Nga bị 'ngắt kết nối'
Dù vẫn có một số lựa chọn thay thế khác, như cách Nga và Trung Quốc thanh toán qua hoán đổi tiền tệ, nhưng SWIFT vẫn là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới. Nếu bị SWIFT “cấm cửa”, các ngân hàng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Cụ thể, các doanh nghiệp, cá nhân có tài khoản ngân hàng tại Nga sẽ bị hạn chế trong các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vay vốn và đầu tư ở nước ngoài. Hiện có khoảng 300 ngân hàng, định chế tài chính của Nga sử dụng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống SWIFT.
Theo Markos Zachariadis, giáo sư công nghệ tài chính và hệ thống thông tin tại Đại học Manchester (Anh), việc một nước bị "gạch tên" khỏi SWIFT cũng tương đương việc nước đó bị “ngắt kết nối” khỏi mạng Internet. Còn theo bà Maria Shagina, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, việc loại Nga khỏi SWIFT có thể gây hậu quả lớn như đối với Iran, quốc gia đã bị từ chối truy cập vào hệ thống này vào năm 2012.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin năm 2014 ước tính, việc bị loại khỏi SWIFT sẽ khiến nền kinh tế nước này giảm 5%.
Nhiều phía bị ảnh hưởng
Không còn nằm trong SWIFT sẽ khiến kinh tế Nga chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng kéo theo nhiều thiệt hại đối với các quốc gia khác.
Theo Reuters, các nhà xuất khẩu sẽ thấy việc bán hàng hóa sang Nga rủi ro và tốn kém hơn. Trong khi đó, những người mua hàng hóa Nga từ nước ngoài cũng sẽ gặp khó khăn hơn, có khả năng buộc họ phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế.
Dù vậy, khi nói đến dầu và khí đốt Nga, người mua từ nước ngoài có thể khó tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi Nga là nhà cung cấp chính của EU về dầu thô, khí đốt và nhiên liệu hóa thạch rắn.
SWIFT quan trọng đối với Nga chủ yếu vì hệ thống này cho phép các công ty năng lượng của họ nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới. Cùng với các đợt trừng phạt trước đó được phương Tây áp lên nhiều ngân hàng Nga, việc bị loại khỏi SWIFT khiến các công ty xuất khẩu của nước này gần như không thể giao thương với quốc tế.
Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ làm suy yếu khả năng của các quốc gia và tổ chức khác trong việc chi trả cho nguồn năng lượng mua từ Nga, dẫn đến việc giá dầu và khí đốt leo thang. Các chủ nợ cũng sẽ rất khó để lấy lại tiền của họ từ các công ty Nga.
Về lâu dài, việc loại Nga ra khỏi SWIFT cũng có thể làm suy giảm tầm quan trọng của hệ thống này, đặc biệt khi Nga và các quốc gia khác, như Trung Quốc, đang tăng tốc chuyển dịch sang những nền tảng thay thế để tránh các động thái tương tự được áp dụng để chống lại họ.
>>> Cập nhật tình hình căng thẳng tại Ukraine trên Vietnamnet
Việt Anh
Tổng thống Ukraine ra điều kiện đàm phán với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đất nước ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Nga, song từ chối đề nghị các bên gặp mặt tại Belarus.
Quân Nga tiến vào Kharkiv, phong tỏa hai thành phố ở Ukraine
Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ và các quan chức khác ở Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tiến vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của nước này.