Khủng bố lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Google để lan truyền thông tin thù địch. Ảnh minh họa

Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden cho biết bà và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức hội nghị để thảo luận về cách chấm dứt hoạt động cực đoan trên mạng xã hội sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố gần đây. Tháng trước, video vụ thảm sát hơn 50 người tại nhà thờ Christchurch đã được livestream trên Facebook và chia sẻ trên YouTube, Twitter cũng như các nền tảng khác. Những công ty này bị chỉ trích dữ dội vì không ngăn chặn được việc lan truyền video này.

Trong tuyên bố, bà Ardern cho rằng: “Vụ tấn công khủng bố ngày 15/3 chứng kiến mạng xã hội được sử dụng theo cách chưa từng có như một công cụ quảng bá chủ nghĩa thù địch và khủng bố. Chúng tôi đang yêu cầu tầng lớp lãnh đạo đảm bảo mạng xã hội không được sử dụng như vậy một lần nữa”.

Tổng thống Macron, người tổ chức hội nghị “Tech for Good” tại Paris năm 2018 với sự góp mặt của CEO Facebook Mark Zuckerberg, cũng thúc đẩy cuộc chiến chống lại phát ngôn thù địch trên mạng. Người phát ngôn của Tổng thống Pháp nói: “Trong những năm qua, số lượng tử vong là kết quả từ các cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Pháp rất lớn. Xét tới điều đã xảy ra tại New Zealand, tất nhiên sẽ có sáng kiến nhằm chống lại phát ngôn thù địch trên mạng xã hội”.

Theo bà Ardern, tại hội nghị ngày 15/5 tại Paris tới đây, các nhà lãnh đạo thế giới cùng các giám đốc công nghệ được mời ký cam kết “Christchurch Call” có mục đích “chấm dứt sử dụng mạng xã hội cho các hoạt động khủng bố”. Twitter, Google xác nhận họ sẽ tham dự nhưng không nói CEO có xuất hiện hay không. Phát ngôn viên Facebook nói đang cân nhắc cử lãnh đạo nào tham gia. Microsoft chưa bình luận gì.

Facebook, Twitter và YouTube đều cho biết đã xóa hay chặn nhiều bài viết từ người dùng muốn chia sẻ video vụ tấn công Christchurch. Áp lực ngày một gia tăng sau khi hàng trăm người bị sát hại trong cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nhà thờ, khách sạn tại Sri Lanka. Chính phủ nước này đã chặn các mạng xã hội trên toàn quốc với lý do “tin giả”.

Trước đây, bà Ardern gợi ý các công ty mạng xã hội cần hành động nhiều hơn. Bà chỉ ra Facebook có khả năng tự động chặn video ngay trong khi tải. Facebook chia sẻ “cam kết của lãnh đạo thế giới để giữ an toàn cho mọi người”, đồng thời bổ sung video gốc của kẻ xả súng tại New Zealand đã bị gỡ chỉ trong vài phút sau khi cảnh sát liên hệ. Khoảng 1,5 triệu bản sao video cũng bị xóa trong vòng 24 giờ.

Cho đến nay, CEO Zuckerberg vẫn từ chối lời kêu gọi làm chậm các video trực tuyến để hạn chế sử lan truyền nội dung không phù hợp vì cho rằng nó “phá vỡ căn bản livestream” đối với những ai đang dùng công cụ này một cách hợp pháp. Hôm 25/4, một lần nữa Thủ tướng Ardern gọi tên Facebook khi nói “các nền tảng công nghệ như Facebook không được dùng như công cụ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Người phát ngôn Facebook cho biết công ty hoan nghênh cơ hội hợp tác với chính phủ và chuyên gia để thiết lập khung quy định rõ ràng. Google cũng thề tiếp tục gắn bó với sự cố nghiêm trọng này và phát triển tiêu chuẩn, công nghệ mới để gỡ bỏ nội dung cực đoan. Còn Twitter sử dụng công nghệ riêng để chủ động xóa 95% nội dung khủng bố trên nền tảng.