- Ngăn chặn nguy cơ trở thành “thiên đường rác”, dù là gián tiếp thông qua các dự án FDI hay trực tiếp qua những container ở cửa khẩu, cần được xem là ưu tiên chính sách hàng đầu.
Tôi vừa đến thăm một doanh nghiệp FDI được coi là hiện đại hàng đầu Việt Nam. Họ sản xuất hàng điện tử, trong đó, một công đoạn tối quan trọng là nhuộm khung kim loại. Công đoạn này buộc phải sử dụng hoá chất công nghiệp, và cần được xử lý cẩn trọng trước khi thải ra môi trường. Khi tôi hỏi phụ trách xưởng mạ rằng công ty sẽ làm gì với nước thải sản xuất, ông bảo sẽ bán lại cho một doanh nghiệp Việt Nam. Tôi hỏi, liệu doanh nghiệp đó có đủ khả năng xử lý không? Ông ấy nói, đã được chính quyền cấp giấy phép.
Riêng tôi vẫn băn khoăn vì từ lâu, giám sát hoạt động xả thải của các khu công nghiệp đã là rất khó khăn, huống chi là khi chuyên môn hoá sản xuất đẩy rác thải đi đến địa chỉ xử lý khác. Nếu tất cả đều đúng quy trình thì không sao, nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ thôi, thì tác động đến môi trường sẽ đau đớn lâu dài.
Cá chết do nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: Tuổi trẻ |
Nhiều sự cố ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp gây ra, như thảm hoạ môi trường biển do Formosa tại Hà Tĩnh hay nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang… đều cho thấy khả năng sai sót là không nhỏ. Và nguyên do thì đã có sẵn ngay từ chính sách thu hút FDI.
Một nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 2016 cho biết 60% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, và 70% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng việc chọn Việt Nam làm điểm đầu tư sẽ giúp tiết kiệm chi phí môi trường so với đầu tư ở nước họ.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh thành để thu hút FDI làm vấn đề trầm trọng hơn. Ô nhiễm công nghiệp, như các ví dụ trên, dường như tập trung ở những địa phương nghèo, nơi sẵn sàng nhượng bộ nhiều điều kiện môi trường để có dự án đầu tư.
Những năm qua, khi chính phủ bắt đầu điều chỉnh chính sách đầu tư với điều kiện môi trường trở thành một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng, thì lại xuất hiện nguy cơ “nhập khẩu ô nhiễm” khác.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn được coi là nhà nhập khẩu rác số một thế giới, khi quốc gia này tận dụng nguồn phế liệu để tái chế phục vụ sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm nay Bắc Kinh bắt đầu cấm nhập khẩu phế liệu (cụ thể là phế phẩm kim loại và một số sản phẩm có hóa chất vào tháng 4, cùng với nhựa bị cấm từ tháng 1). Trong năm 2015, Trung Quốc ước tính nhập 47 triệu tấn rác thải, con số này còn tăng mạnh cho đến năm 2018. Số rác thải khổng lồ này sẽ đi đâu khi không qua được biên giới Trung Quốc?
Số liệu từ một bài báo mới đây của Reuters gợi ra một số chỉ dấu. Trong năm 2017, nhập khẩu phế liệu nhựa của Việt Nam tăng 62%, lên đến trên 550 nghìn tấn. Mức tăng này ở Thái Lan là 115% và 65% ở Indonesia. Đông Nam Á, trong đó có chúng ta, có nguy cơ trở thành bãi rác mới của thế giới.
Chuyện nhập khẩu rác không chỉ là mối lo từ các kênh chính thức. Hiện nay, các cảng biển lớn từ TP HCM cho đến Vũng Tàu hay Hải Phòng, đang có hàng chục nghìn container chứa rác vô chủ chưa biết đi đâu về đâu. Và nếu không có doanh nghiệp nào nhận thì chi phí xử lý sẽ vô cùng lớn. Thêm vào đó, với năng lực xử lý rác hiện nay, không phải loại rác thải nào chúng ta cũng có thể xử lý.
Đối diện với tình hình cấp bách như vậy, nhiệm vụ chính vẫn thuộc về các cơ quan quản lý. Tổng cục Hải quan, với vai trò “gác cổng” cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cần phải siết chặt quy trình giám sát phế liệu nhập vào Việt Nam, dù dưới hình thức nhập khẩu có điều kiện hay tạm nhập tái xuất. Các cơ quan khác, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần tham mưu ban hành những quy định chặt chẽ hơn, thậm chí là rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hay xử lý hình sự. Trong năm 2017, Trung Quốc đã hủy giấy phép nhập khẩu của hơn 960 công ty, đồng thời đóng cửa 8800 doanh nghiệp bị cáo buộc vi phạm quy định nhập khẩu phế liệu. Đã đến lúc chúng ta cũng cần phải có những hành động quyết liệt như vậy.
Chuyện nhập khẩu rác không chỉ là mối lo từ các kênh chính thức. Ảnh minh họa: baotainguyenmoitruong |
Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nguy cơ về môi trường đã trở thành mối lo thường trực. Nó không chỉ tạo ra nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân, mà còn là tụ điểm cho bất mãn xã hội. Nếu xử lý không khéo, ô nhiễm môi trường sẽ là nguồn cơn cho bất ổn, như những gì đã xảy ra ở Trung Quốc.
Ngăn chặn nguy cơ trở thành “thiên đường rác”, dù là gián tiếp thông qua các dự án FDI hay trực tiếp qua những container ở cửa khẩu, cần được xem là ưu tiên chính sách hàng đầu.
Nguyễn Khắc Giang
Bài toán điện – than và môi trường
Thật ra, không phải đến nay vấn đề sử dụng than cho nhà máy nhiệt điện mới được đặt ra. Từ trước khi có chủ trương phát triển điện hạt nhân thì nhiệt điện than vẫn được xem là quan trọng trong cơ cấu năng lượng của chúng ta.
Những đòi hỏi ngược dòng cải thiện môi trường kinh doanh
Chính phủ đã phải thành lập ban chỉ đạo xử lý các dự án ngàn tỉ đồng gây thua lỗ, tránh lặp lại tình trạng dùng các cơ chế đặc thù, ưu đãi cứu các dự án đã “chết chìm” nhiều năm nay.
Môi trường quốc gia bị lợi ích nhóm “bắt làm con tin”
“Tôi nghe có doanh nghiệp làm thép hứa nếu để ô nhiễm họ sẽ “giao nộp” nhà máy. Lời hứa này chưa có gì bảo đảm cả.”, TS. Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.
Hy sinh môi trường cho tăng trưởng là lựa chọn quá đau đớn
“Không sự định giá nào bù đắp được cho sinh kế, sinh mạng và giống nòi. Hy sinh môi trường lấy tăng trưởng là lựa chọn quá đắt đỏ, quá đau đớn.”
Môi trường- từ đục đến… bẩn?
Dòng thời sự chủ lưu hiện nay đang tập trung vào câu chuyện tăng trưởng và môi trường sau chuyện cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.
Cá chết: Việc cần làm sau khi thủ phạm lộ diện
Không để một vụ việc tương tự được lặp lại và người gây hại phải chịu trách nhiệm theo pháp luật mới là ưu tiên hàng đầu lúc này, chứ không chỉ là việc chúng ta phẫn nộ, căm giận trước thủ phạm được công bố.
Cá chết và một chính phủ minh bạch
Chỉ tiếc, dường như những bài học đó vẫn chưa được nằm lòng. Và vì thế mà môi trường sống của nước Việt chưa bao giờ có bài học cuối cùng.
Cá chết, người nhiễm bệnh: Nước Nhật từng trả giá rất đắt
Trước sức ép ngày càng mạnh của dân chúng và giới trí thức, các biện pháp toàn diện đã được thực thi tích cực.
Nhận trách nhiệm vụ Formosa không bằng tự chỉ ra khuyết điểm
GS Nguyễn Minh Thuyết nhìn nhận như vậy về việc nguyên Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận trách nhiệm trong vụ Formosa với Góc nhìn thẳng.
Buộc Formosa phải có khung thời gian nộp phạt rõ ràng
Chính phủ Việt Nam nên tính tới việc bắt buộc Formosa thành lập một quỹ nộp phạt và bồi thường theo một khung thời gian rõ ràng.