Nhắc tới giai đoạn lịch sử vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, điều được hậu thế cảm khái hơn cả không phải là các trận chiến tranh giành địa bàn giữa các chư hầu, càng không phải là cảnh trăm vạn hùng quân chém giết lẫn nhau mà chính là những màn tỷ thế gay cấn giữa các võ tướng có tiếng thời bấy giờ.

Giờ đây mỗi khi đánh giá về vị thế của họ trong thời đại chẳng thiếu bóng nhân tài khi ấy, người đời thường phân định bằng chiến tích trên trận mạc hoặc kết cục của những màn đấu tay đôi để xếp hạng cao thấp. Thứ hạng của hai nhân vật nổi danh trong hàng Ngũ hổ tướng Thục Hán là Triệu Vân và Mã Siêu cũng nằm trong số đó.

Theo chuyên trang lịch sử Trung Quốc Qulishi, trong bảng xếp hạng 24 mãnh tướng Tam Quốc, Mã Siêu được đưa vào vị trí thấp hơn Triệu Vân. Tuy nhiên thực tế cũng có không ít người hoài nghi về kết quả đánh giá này.

Liệu rằng một nhân vật từng được xem là chư hầu khét tiếng Tây Lương như Mã Siêu có thực sự không thể đánh bại Thường Sơn Triệu Tử Long hay không?

Cho tới ngày nay, câu hỏi trên vẫn còn là một chủ đề gây rất nhiều tranh cãi. Thế nhưng ít ai biết rằng vị quân chủ Thục Hán là Lưu Bị đã từng để lại một câu nói phân rõ cao thấp đối với võ nghệ của Mã Siêu và Triệu Vân năm xưa.

Triệu Vân - Mã Siêu: Hai hổ tướng dưới trướng Lưu Bị khét tiếng Tam Quốc một thời

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Triệu Vân, tự Tử Long, người đất Thường Sơn, năm xưa từng có thời gian đi theo Công Tôn Toản trấn áp loạn Khăn Vàng, sau lại đầu quân cho Lưu Bị và tập đoàn chính trị Thục Hán.

Từ sau khi trở thành viên tướng dưới trướng Lưu Huyền Đức, Triệu Vân dần trở nên nổi danh với biệt hiệu Thường thắng tướng quân nhờ những lần xuất trận đánh đâu thắng đó.

Một trong những chiến tích nổi tiếng làm nên tên tuổi của ông chính là sự kiện Triệu Vân một mình phá vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân Tào trong trận Trường Bản, nhờ đó mà cứu được ấu chúa Lưu Thiện.

Sau này trong trận Hán Thủy, Triệu Tử Long dùng kế lấy ít địch nhiều, đẩy lui hàng vạn lính Tào, nhờ vậy mà có được sự tán thưởng của quân chủ.

Đánh giá về tài trí của Triệu Vân, không ít người cho rằng ông là vị tướng hiếm hoi hữu dũng hữu mưu và có thể xem là một trong số ít những nhân vật hoàn mỹ nhất Tam Quốc.

Mã Siêu, tự Mạnh Khởi, là hậu duệ của Hán Phục tướng quân Mã Viện, con trai tướng Mã Đằng, từ năm 17 tuổi đã theo cha chinh chiến khắp thiên hạ, sớm gây dựng được thanh danh giữa thời loạn.

Sau này, Mã Đằng bị Tào Tháo lừa vào kinh và phong cho một chức quan để ngấm ngầm trấn áp, Mã Siêu ở bên ngoài kế thừa thế lực của cha, trở thành một nhân vật khét tiếng hùng cứ ở Tây Lương.

Sau khi thống lĩnh quân Tây Lương, Mã Siêu liền công khai chống lại triều đình, mưu đồ cát cứ tự lập. Tào Tháo biết được liền đem quân thảo phạt.

Thế nhưng trong trận chiến năm ấy, Tào Tháo suýt chút nữa bị vị tướng họ Mã trẻ tuổi bắt sống, thậm chí còn phải cắt râu, cởi áo mới có đường chạy thoát.

Cũng bởi vậy mà một Tào Mạnh Đức khét tiếng khi ấy đã phải cất lên lời than rằng: "Tiểu tử mã Siêu này không chết, e rằng ta đây đến cả đất chôn thây cũng không có".

Từ những dẫn chứng trên đây, không khó để nhận thấy Mã Siêu và Triệu Vân luận về võ nghệ đều là những vị tướng sức địch trăm người, xuất chúng hiếm có.

Nếu Mã - Triệu có cơ hội tỷ thí, ai mới thực sự là người "trên cơ"?

Trên thực tế, cả hai nhân vật nổi danh là Mã Siêu và Triệu Tử Long đều chưa từng tỷ thí tay đôi. Mặc dù cùng sở hữu võ nghệ cao cường, tuy nhiên việc cùng phục vụ cho tập đoàn chính trị của Lưu Bị đã khiến họ không có dịp so tài cao thấp.

Có ý kiến từng cho rằng, Triệu Vân năm xưa nổi tiếng là bách chiến bách thắng. Vì vậy luận về võ nghệ, ông hoàn toàn có thể xếp trên một chư hầu thất thế phải nương nhờ Lưu Huyền Đức như Mã Siêu.

Tuy nhiên theo nhận định của Qulishi, câu hỏi Mã Siêu và Triệu Vân ai mới là người "trên cơ" thực chất đã từng được Lưu Bị trả lời.

Năm xưa khi Lưu Chương và Lưu Bị tiến đánh Hán Trung, Trương Lỗ từng hạ lệnh cho Mã Siêu làm tiên phong đối đầu với đội quân này.

Sau khi nghe về chiến tích của vị tướng trẻ họ Mã, Lưu Huyền Đức luôn lo lắng không thôi, thậm chí còn chần chừ không dám xuất chiến.

Có giai thoại truyền lại rằng, vào lúc bấy giờ, Mã Siêu dù chủ động khiêu khích, nhưng Lưu Bị khi đó chỉ đành nói với các tướng lĩnh dưới trướng:

"Mã Siêu là kẻ vô cùng lợi hại, chỉ có hai em ta mới có thể đánh được hắn".

Câu nói này của Lưu Bị đã khẳng định rằng luận về võ nghệ, có lẽ chỉ có huynh đệ Quan – Trương của ông mới có đủ khả năng đánh lui Mã Siêu.

Trong khi đó, Triệu Vân lúc này đang là hộ vệ kề cận cạnh bên, tuy nhiên cũng không được quân chủ cử ra xuất chiến. Điều đấy ngầm chứng tỏ trong mắt của Lưu Bị, có lẽ ngay tới Triệu Tử Long cũng chưa chắc đã có thể dành được thắng lợi trước một đối thủ đáng gờm như Mã Siêu.

Thực tế là hậu thế ngày nay có thể thông qua các chiến tích một đời của hai vị tướng này để nhận ra một sự thật: Triệu Vân giỏi xông pha trận địa, đột phá vòng vây, can đảm thận trọng, gặp nguy không loạn, xứng đáng với hai chữ trí dũng song toàn.

Về phần Mã Siêu, ông được xem là có thiên phú về tỷ thí tay đôi, chỉ tiếc rằng vị tướng ấy lại bị người đời sau đánh giá là hữu dũng vô mưu tựa như Lữ Bố năm nào.

Thông qua những phân tích giản lược trên đây, có thể thấy một Mã Siêu với tài độc đấu nếu tỷ thí với một Triệu Vân chưa hề bại trận thì rất có khả năng cũng sẽ bất phân thắng bại.

Người giỏi xông pha trận địa, người có tài về tỷ thí tay đôi, việc ai trong số họ mới dành được phần hơn có lẽ sẽ tiếp tục còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Thế nhưng có thể khẳng định rằng, nếu lịch sử cho họ cơ hội để phân cao thấp, chắc chắn đó sẽ là một trong những màn đấu võ đặc sắc hiếm có trong lịch sử Trung Hoa.

Theo GameK