Chúng ta đã mơ mộng quá nhiều và làm quá ít trong khi hội nhập chỉ đơn thuần là một cơ hội. Cơ hội có tính thời điểm; nắm bắt được hay không và nắm bắt được đến mức độ nào lại là do chính chúng ta. Nếu sau ngần ấy năm VN không tiến xa hơn bao nhiêu thì chẳng thể trách ai mà chỉ có thể tự trách mình.

Thời gian qua, chuyện Hiệp định TPP đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Đọc qua hàng chục bài viết, thấy mừng đấy mà cũng lo đấy, bởi cánh cửa hội nhập đã mở rộng nhưng “con thuyền ra biển lớn”  dường như vẫn còn tròng trành.

Phép màu chưa xảy ra

Không khí này khiến người viết nhớ lại một câu chuyện ngót mười năm trước, thời điểm quá trình đàm phán gia nhập WTO của VN bước vào giai đoạn nước rút. Trên đoạn đường từ trường ra bến xe vào một buổi chiều muộn, bác xe ôm hân hoan nói về WTO. Lưu loát như một chuyên gia kinh tế, bác giảng giải cho tôi vì sao khi vào WTO, VN sẽ thay da đổi thịt…

Ấn tượng về những lời nói say sưa của người đàn ông khắc khổ ấy còn đọng lại trong tôi mãi.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Có phải vì ngồi lâu ở cổng ĐH Ngoại thương nên bác cũng mắc “bệnh nghề nghiệp”, hay chính không khí sôi nổi lúc đó đã ngấm vào từng người Việt Nam? Từ quan chức cho tới người bình dân, ai ai cũng nói về WTO với một tâm thế hy vọng. Thật sự là khi đó chúng ta đã ít nhiều kỳ vọng vào một cuộc vượt vũ môn thần kỳ cho nền kinh tế.

Không thể phủ nhận rằng từ đó đến giờ, kinh tế VN đã có những chuyển biến tích cực; song cũng phải thừa nhận một điều: Phép màu chưa xảy ra. Thất nghiệp vẫn gia tăng, mục tiêu đến năm 2020 VN trở thành nước công nghiệp không thành. Trên bản đồ kinh tế thế giới, VN vẫn là chỉ một xưởng gia công giá rẻ, nơi hàng vạn công nhân bán sức lao động và tuổi trẻ để nhận về đồng lương rẻ mạt. Có những ngành công nghiệp dù được bao bọc, được o bế bởi đủ loại chính sách ưu đãi, sau bao nhiêu năm vẫn chỉ là số 0 tròn trĩnh.

Lĩnh vực công nghiệp đã vậy, liệu nông nghiệp có sáng sủa hơn? Người viết bài này may mắn trở lại Châu Âu lần thứ hai để theo đuổi việc học. Xong sau vài năm, tình hình vẫn không mấy đổi thay. Trong các siêu thị đầy ắp hàng hóa, nhưng bói mỏi mắt cũng khó thấy bóng dáng của nông sản mang thương hiệu Việt.

Ai cũng biết gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của VN. Chúng ta tự hào đã từ một nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng hạt gạoVN đã đi đâu khi mà trên những kệ hàng cao chất ngất, người ta chỉ thấy gạo Thái Lan, gạo Pakistan? Và cả cà phê VN cũng đã đi đâu khi hoàn toàn vắng bóng ở xứ sở mà cà phê là thức uống hàng ngày?

Câu trả lời nhiều người đã biết. VN tuy xuất khẩu nhiều gạo thật, nhưng mới chỉ vào được các thị trường lân cận và nước nhập khẩu gạo VN nhiều nhất vẫn là TQ. Lý do chẳng phải do tình hữu nghị Việt – Trung mà vì chất lượng gạo của ta kém nên chỉ có thị trường TQ, nơi mọi sản phẩm đều được dung nạp, mới mở rộng cửa cho chúng ta vào. Để rồi sự phụ thuộc đó kéo theo bao nhiêu bấp bênh và rủi ro bởi thương nhân TQ vốn nổi tiếng về chiêu ép giá và đe dọa hủy hợp đồng.

Lỗi chính chúng ta

Ai cũng sẽ day dứt khi nghĩ tới người nông dân trong chuỗi cung ứng gạo. Giá một tấn gạo xuất khẩu tại cảng VN chưa tới 500 đô-la Mỹ, tức là chỉ chừng 10.000 đồng/kg. Khi đến tay người tiêu dùng nước ngoài, giá bán sẽ lên gấp đôi, gấp ba nhưng phần gia tăng này VN không hề được hưởng. Trong 10.000 đồng kia, mấy ngàn đồng sẽ thuộc về người nông dân – những người chỉ biết cặm cụi trên đồng, còn lại phó mặc cho… ông trời?

Chính vì thế, nhiều người hoài nghi về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. Ai cũng có quyền hoài nghi nếu như sau cùng, đời sống của họ không tốt hơn mà thậm chí còn khó khăn hơn. Song công bằng mà nói, WTO hay các hiệp định thương mại tự do mà VN đã, đang và sẽ tham gia không có lỗi. Lỗi là của chính chúng ta.

Chúng ta đã mơ mộng quá nhiều và làm quá ít trong khi hội nhập chỉ đơn thuần là một cơ hội. Cơ hội có tính thời điểm; nắm bắt được hay không và nắm bắt được đến mức độ nào lại là do chính chúng ta. Nếu sau ngần ấy năm VN không tiến xa hơn bao nhiêu thì chẳng thể trách ai mà chỉ có thể tự trách mình.

Cơ hội mở ra lần này có giúp “cá chép hóa rồng” hay không là điều chưa ai biết. Nhưng cần nhớ TPP gồm những thị trường khó tính nơi người tiêu dùng không ham rẻ mà luôn đặt sức khỏe của mình lên trên hết. TPP cũng được ký kết bởi các chính phủ đủ khả năng xây dựng các biện pháp bảo hộ tinh vi chứ không lộ liễu như cách ra chỉ thị buộc dùng… bia nội của một tỉnh nào.

Sản phẩm mang thương hiệu Việt, nhất là nông sản, sẽ có cơ hội chen chân vào những thị trường đó không khi mà người tiêu dùng VN – vốn thuộc hàng liều lĩnh nhất thế giới – còn phải sợ những sản phẩm do chính người Việt sản xuất ra.

Và giờ đây, khi mà TPP còn đang chờ phê chuẩn, rất nhiều ông bố, bà mẹ Việt đã khấp khởi mừng thầm vì sắp tới sẽ có rau sạch, thịt sạch cho con ăn. Không phải họ không yêu hàng Việt hay sính ngoại, nhưng họ phải lo cho sức khỏe của mình trước. Với một tâm thế như thế, nguy cơ thua ngay trên chính sân nhà đâu phải là cách nhìn quá bi quan? Nhưng từ tâm lý đó, các ngành, các lĩnh vực liên quan đến hội nhập TPP cần làm gì để xây dựng và khẳng định “thương hiệu” của mình ngay trong nước?

Cần nghĩ về tất cả những điều đó trước ngưỡng cửa hội nhập để thấy rằng, một lần nữa, chúng ta đừng quá ngây thơ tin rằng sẽ có phép màu. Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào những sân chơi mới là điều đáng mừng. Nhưng được hay thua không phải do sân chơi mà nằm ở chính người thi đấu. Nếu chúng ta không tự hoàn thiện mình mà chỉ lao vào sân chơi bằng niềm tin và hy vọng, thì trước khi trận đấu bắt đầu, chúng ta đã có thể mất tự tin.

  • Khương Duy