Sáng 29/11 Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội đã cử hành lễ suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Đức đệ tứ Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN - lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương.
Đại hội cũng cử hành nghi thức tấn phong 268 vị lên giáo phẩm Hòa thượng, 1.102 vị lên giáo phẩm Thượng tọa, 391 vị lên giáo phẩm Ni trưởng và 1.581 vị lên giáo phẩm Ni sư. Toàn thể đại biểu đã thông qua nghị quyết đại hội IX nhiệm kỳ 2022-2027.
Với chủ đề của Đại hội "Kỷ cương-trách nhiệm-đoàn kết-phát triển", Đức Pháp chủ GHPGVN Thích Trí Quảng nhấn mạnh đến hai việc mà GHPGVN cần coi trọng trong nhiệm kỳ tới, đó là mở mang trí tuệ tăng già và đạo hạnh tăng ni: "Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất với hơn 100 đại biểu là những viên ngọc quý của GHPGVN. Tôi nhận thấy chư tôn đức trưởng lão thân thương, hòa hợp như một khối, một tổ chức, chỉ có Phật tâm.
Trải qua 8 kỳ đại hội, hôm nay chúng ta thừa hưởng sự nghiệp của chư vị tiền nhân. Đức đệ nhất Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận rất tha thiết với công tác đào tạo tăng tài.
Đó là cái nhìn vô cùng sáng suốt, mở ra con đường chấn hưng Phật giáo Việt Nam, coi trọng giáo dục Phật giáo, mở mang trí tuệ cho tăng già. Tại đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, đức đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ nhận thấy đạo hạnh tăng già có phần khiếm khuyết.
Tôi mong Chư tôn đức trong Hội đồng chứng minh chấn chỉnh đạo phong cốt cách của tăng ni. Đây là hai việc quan trọng nhất mà hai vị Pháp chủ để lại. Hôm nay, đại hội đặt lên hai việc quan trọng nhất là trí tuệ và kỷ cương. Từ đó chúng ta xây dựng một cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới, hòa hợp trong giáo pháp đức Phật".
"Nếu không có nhân tài, không có những con người tiêu biểu thì Phật giáo suy định. Tôi nhớ lại xưa, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cố gắng thống nhất Phật giáo, đi khắp nơi để tìm nhân tố tích cực. May mắn cho ngài gặp được Pháp Loa Tôn Sư - người có tâm và tầm lớn nên ngài quyết định truyền ngôi cho trong khi tuổi đời mới ngoài 20.
Đây là điều vô cùng quan trọng mà chúng ta cần suy nghĩ. Cho nên, bây giờ chúng ta phải tích cực tìm những nhân tài như thế, họ đang ẩn cư, đang tu học ở các tu viện, trường đại học, phát triển và mời về cùng chung sức xây dựng Giáo hội tốt đẹp hơn", Pháp chủ GHPGVN nhấn mạnh.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1940 tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP.HCM). Năm lên 10 tuổi, ngài xuống tóc xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức (1909-1999) tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức).
Từ năm 1957 đến 1960, ngài tu học tại Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo năm 1960, chính thức nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Từ năm 1960 - 1964, ngài làm giảng sư, sau đó du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản từ năm 1965-1972.
Từ năm 1973-1975 ngài được suy cử đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp; đặc cách tấn phong giáo phẩm Thượng tọa lúc 37 tuổi.
Từ năm 1975-1981, ngài được suy cử đảm nhiệm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên thuộc Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất.
Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào ngày 7/11/1981, ngài được là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, cho tới năm 2007.
Ngài là một trong những vị giáo phẩm tham gia thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, được Trung ương Giáo hội chỉ định tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng ban rồi chính thức lãnh đạo Phật giáo TP.HCM trong trách nhiệm Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM từ tháng 11/1998-6/2022.
Trong thời gian này, nhiều công trình được kiến thiết, chỉnh trang và quy hoạch toàn diện, trong đó phải nói tới Công viên tượng đài Bồ-tát Thích Quảng Đức, các ngôi đại già-lam như Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn) và chùa Phổ Quang (Quận Tân Bình); Dời trụ sở làm việc của Ban Trị sự tại từ tổ đình Ấn Quang về Việt Nam Quốc Tự với các tiện ích đầy đủ cho một trung tâm hành chánh, văn hóa và tâm linh của Phật giáo TP.HCM.
Đặc biệt, 3 ngôi chùa Việt Nam Quốc, Thanh Tâm và Phổ Quang được ngài lấy ý kiến thống nhất của Đại Tăng quyết nghị vĩnh viễn là cơ sở chung của Phật giáo TP.HCM, quản lý theo cơ chế đặc thù, không bổ nhiệm trụ trì như các tự viện thông thường khác.
Trưởng lão Hòa thượng đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Từ năm 2007-2017, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN.
Từ năm 2008 đến nay, Giáo hội suy cử ngài đảm nhiệm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Tháng 7/2015, ngài được Giáo hội suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.