- ĐB Dương Trung Quốc, đại diện cho cử tri Đồng Nai - nơi quy hoạch xây sân bay Long Thành, cùng nhiều ĐB thuyết phục QH sáng nay phải làm sớm sân bay Long Thành, "chậm là trả giá theo cấp số nhân". 

Thảo luận về dự án sân bay Long Thành tại QH sáng nay, ĐB Dương Trung Quốc thừa nhận giờ đây có một thực trạng khi bàn về một dự án cụ thể, xã hội đang ở trong tâm thế mà ông gọi là "hội chứng mất lòng tin"'. 

Sau những Vinashin, Vinalines, nhiều dự án lớn đắp chiếu lãng phí không nhỏ, người dân sẽ đặt câu hỏi đầu tiên: có thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm không? 

Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, thái độ này sẽ giúp cảnh giác, nghiêm túc, nghiêm khắc hơn để điều chỉnh lại, nhưng cũng có thể là cản lực để phát triển.

{keywords}
ĐB Dương Trung Quốc: ĐBQH không đủ năng lực phán quyết hiệu ứng kinh tế của dự án này

Với dự án sân bay Long Thành, ĐB tỉnh Đồng Nai nhắc lại "bài học lịch sử" của chính sân bay Tân Sơn Nhất được người Pháp xây, người Mỹ phát triển trong thời chiến, từng là sân bay lớn nhất khu vực, mà chỉ trong mấy chục năm ta đã thu hẹp, lấn đất, quy hoạch không phù hợp với không gian, để hôm nay nó bị chật chội phải tìm cách giải quyết.

Trả giá nếu chậm

Do đó, ĐB Dương Trung Quốc cảnh báo phải đặt dự án sân bay Long Thành trong tầm nhìn lâu dài, vượt qua tầm nhìn của hôm nay.

"Long Thành vốn là một dự án thành phần của tổng thể quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, nhiều hạng mục thành phần đã thực hiện rồi. 

Chỉ vì tổng mức đầu tư lớn nên mới đưa ra QH bàn. Người dân ở đó bị treo quy hoạch 10 năm rồi mà giờ QH mới bàn làm hay không làm.

"Cho nên giả định rằng nếu chúng ta có đủ quyền năng nói rằng không làm sân bay Long Thành nữa, thì chúng ta có nghĩ đến cả một khối lượng rất lớn của cả quy hoạch bị vỡ không, và sẽ là một sự lãng phí như thế nào" - ông Quốc nói.

Theo ông, đáng nhẽ phải đưa ra sớm để người dân biết, các tổ chức xã hội dân sự phản biện, không thể triển khai 10 năm rồi mới đưa ra QH thì rất khó xử, phải lấy các nghị quyết của Đảng ra để bảo vệ.

"Đảng quyết rồi thì QH làm gì, giờ QH bàn cũng không đi đến đâu cả" - ông nói.

ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra ĐBQH không đủ năng lực phán quyết về hiệu ứng kinh tế của dự án này.

"Cứ một phía nói hiệu quả một phía nói không, mà không có một tiếng nói cuối cùng. Cần có một cơ quan tư vấn độc lập có đủ sức thuyết phục để dân yên lòng, các nhà khoa học tâm phục khẩu phục, tạo sự đồng thuận cao" - ông nói.

Ủng hộ việc xây dựng sân bay Long Thành, ông cảnh báo nếu "làm chậm là trả giá theo cấp số nhân" đồng thời yêu cầu bộ GTVT và các bên liên quan tiếp tục minh bạch hóa, thu hút tiếng nói, ý kiến của người dân, đặc biệt là tìm một tiếng nói chuyên môn, xác đáng, thuyết phục.

TP.HCM quá bức xúc 

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) bấm nút phát biểu nhấn mạnh luôn quan điểm rõ ràng của TP.HCM là không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. 

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch: Làm chậm Long Thành là trở tay không kịp 

Bởi một sân bay quốc tế không thể nằm trong nội thành, khu dân cư, máy bay cất hạ cánh từ 0-5h; nếu mở rộng thì giải phóng mặt bằng là bất khả thi và Quy hoạch vùng đô thị TP.HCM cũng không có chuyện mở rộng Tân Sơn Nhất.

"Phải xây sân bay Long Thành, vì thành phố đã quá bức xúc với việc Tân Sơn Nhất quá tải, trở thành trở lực cho không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Lịch nói. "Nếu làm chậm thì sẽ không kịp trở tay khi Tân Sơn Nhất quá tải, thậm chí có thể làm giai đoạn 1 của Long Thành sớm hơn".

ĐB TP.HCM cũng chỉ ra, trong quy hoạch kinh tế vùng, mọi con đường đều đổ về Long Thành rồi lan tỏa ra cả vùng, giờ mà thay đổi quy hoạch là làm lại từ đầu. 

Ủng hộ chủ trương này, ông Trần Du Lịch chỉ lưu ý làm rõ cơ cấu nguồn vốn giữa ngân sách và tư nhân, tính toán bài toán khả thi nhất để nợ công thấp nhất.

{keywords}
ĐB Trần Ngọc Vinh: Làm chậm Long Thành là mất thời cơ vàng

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh cũng muốn Chính phủ đưa ra nhiều phương án huy động vốn để ĐB chọn lựa, có tính đến trượt giá. 

Phải bảo đảm tiết kiệm, vì lãng phí là có tội với dân, phải làm cử tri tin tưởng rằng vốn vay về là để đầu tư có hiệu quả đồng thời cảnh báo làm chậm Long Thành là mất thời cơ vàng.

ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) kiến nghị chọn hình thức đối tác công tư (PPP), giảm tỉ lệ ODA để không tăng gánh nặng trả nợ, và không nên theo phương thức BOT khiến nhà nước dễ mất quyền kiểm soát. 

Trong khi Phó chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Trần Văn (Cà Mau) cũng nhấn mạnh "không tạo gánh nặng lên ngân sách và các thế hệ mai sau".

Ông Trần Văn còn lưu ý việc đầu tư cho con người: "Chưa thấy báo cáo nói sẽ đón tiếp hàng triệu khách quốc tế như thế nào, khi mà chính khách hàng trong nước còn chưa được làm 'thượng đế' của hàng không VN". 

Các ĐB cũng muốn Chính phủ lưu ý đến tương lai của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi có Long Thành.

Chung Hoàng - Ảnh: Minh Thăng