Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong vòng 4 năm gần đây, theo Sách trắng Thương mại điện tử của Bộ Công thương, năm 2015 doanh số thương mại điện tử Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD, năm 2016 tăng lên 5 tỷ USD, năm 2017 tăng lên 6,2 tỷ USD và năm 2018 nhảy vọt lên 7,7 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trong 3 năm gần đây đạt bình quân 24%/năm. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm trong giai đoạn từ nay tới 2025 và sẽ đạt con số 33 tỷ USD. Năm 2020 thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10-12 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Quy mô và tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ngày càng lớn được coi là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuyển phát hàng ngày càng nhiều. Trong thị trường giao hàng, bên cạnh các doanh nghiệp bưu chính thì sự tham gia của các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ từ khâu đầu đến khâu cuối của quy trình cung cấp dịch vụ, mô hình kinh tế chia sẻ giao hàng nhanh trong vòng vài chục phút, khiến cho sự cạnh tranh phân khúc giao hàng thương mại điện tử ngày càng trở lên khốc liệt.

Cách đây khoảng 3 năm thị trường chuyển phát hàng nhanh nổi lên của hình thức gửi hàng qua ứng dụng đã làm thay đổi hoàn toàn quy trình cung cấp dịch vụ bưu chính trước đây. Mô hình bưu cục tự động, bưu cục tự phục vụ, bưu cục không giấy tờ  đã thay thế với mô hình bưu cục trước đây. Ví dụ, khi các ứng dụng Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm tham gia vào thị trường chuyển phát hàng hóa, người gửi hàng chỉ cần tải App của nhà cung cấp dịch vụ, đăng ký tài khoản bằng email, số di động, tài khoản ngân hàng, các địa chỉ gửi nhận hàng của mình. Khi có nhu cầu gửi hàng, người gửi Tạo đơn ngay trên ứng dụng, có thể tự tính cước gửi, tự chọn loại dịch vụ, tự chọn địa chỉ nhận hàng, sẽ có người của nhà cung cấp dịch vụ tới nhận tận nơi. Người gửi cũng có thể Tạo đơn sau đó mang ra bưu cục gần nhất, tự in bill gửi qua hệ thống tự động tại bưu cục, tự cân trọng lượng. Dù chỉ 1 đơn hàng với giá cước gửi 20.000 – 30.000 đồng cũng được phục vụ Door to Door một cách nhanh chóng.

 Mô hình gửi hàng tự động qua ứng dụng di động có thể coi là một cuộc cách mạng trong ngành bưu chính, chuyến phát, việc gửi hàng tự động đã tiết kiệm được thời gian của khách hàng, tiết kiệm chi phí in ấn hóa đơn, in ấn các giấy tờ so với mô hình bưu chính truyền thống. Người gửi cũng theo dõi được hành trình đường đi của bưu phẩm ngay trên ứng dụng thông minh của của nhà cung cấp dịch vụ. Với những đơn hàng COD (giao hàng thu tiền) chỉ 2 ngày sau khi phát thành công, tiền sẽ tự động được đối soát và gửi vào tài khoản của nhà cung cấp dịch vụ.

Sự thuận tiện trong khâu gửi hàng, theo dõi đơn hàng nên các ứng dụng Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm đã được các nhà bán hàng thương mại điện tử nhỏ, lẻ, hay bán hàng qua các trang mạng xã hội chọn lựa sử dụng làm phương thức giao hàng chủ yếu.

Khoảng hai năm gần đây, xuất hiện thêm mô hình kinh tế chia sẻ tham gia vào lĩnh vực chuyển phát hàng hóa tức thời dựa trên nền tảng công nghệ. Ahamove là ứng dụng chia sẻ giao hàng tức thời đầu tiên xuất hiện từ năm 2015, sau 3 năm Ahamove đã phát triển với quy mô thần tốc. Hiện Ahamove có khoảng 60.000 tài xế xe máy đăng ký trong ứng dụng, mỗi ngày Ahamove chuyển phát khoảng 50.000 – 70.000 đơn hàng ở hai thành phố Hà Nội, TP.HCM. Ahamove ban đầu phục vụ cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook và mạng xã hội, sau đó mở rộng tham gia giao đồ ăn. Năm 2019, theo ông Trường Bomi, CEO Ahamove, Ahamove đã hợp tác với Lazada và Sendo tham gia chuyển phát hàng cho hai sàn thương mại điện tử này. Sự hợp tác với Ahamove, sẽ giúp các sàn thương mại điện tử giải quyết bài toán giao nhanh, giao trong thời gian ngắn trong nội thành Hà Nội và TP.HCM. Đây là thế mạnh của Ahamove mà ít có doanh nghiệp bưu chính nào có thể cạnh tranh nổi ở thời điểm hiện tại.

Mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chia sẻ vào lĩnh vực chuyển phát hàng thương mại điện tử ngày càng cao khi Grab, GoViet, Delivery Now đang đổ tiền đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Việc các kỳ lân công nghệ, với thế mạnh giao hàng tốc độ nhanh, giao và nhận trong vòng vài chục phút, đảm bảo an toàn cho hàng hóa tối đa đã tạo một sự cạnh tranh khốc liệt với không chỉ doanh nghiệp bưu chính truyền thống, mà ngay những nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát qua ứng dụng như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm cũng bị đe dọa.

 Bị cạnh tranh mạnh, một số hãng bưu chính truyền thống như ViettelPost, NetcoPost đã đầu tư và ra mắt ứng dụng trên điện thoại di động để tạo thuận lợi hơn cho việc theo dõi hành trình hàng hóa.

Trong bài tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV VietnamPost cho rằng: “Khả năng tiếp cận tới từng khách hàng cá nhân giúp các doanh nghiệp bưu chính truyền thống có khả năng cung cấp dịch vụ ở công đoạn cuối cùng (phát hàng-PV) cho thương mại điện tử. Nhưng doanh nghiệp bưu chính truyền thống vẫn hạn chế ở quy trình cung ứng dịch vụ còn phức tạp, ứng dụng CNTT còn chưa cao dẫn đến tốc độ giao hàng khó đẩy nhanh hơn được nữa”.