Công ty CP NetNam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (7/12/1994 - 7/12/2014) tại TP.HCM. Buổi lễ có sự hiện diện của ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng; GS. Trần Mạnh Tuấn, nguyên PGĐ Trung tâm Khoa học Tự nhiên & Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam); GS. Bạch Hưng Khang, nguyên Viện trưởng Viện CNTT - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam; và ông Trần Bá Thái, sáng lập viên và Chủ tịch HĐQT Công ty CP NetNam.
Cách đây 20 năm, với chức năng nghiên cứu mở đường, nhóm kỹ sư từ NetNam đã thực hiện thử nghiệm kết nối Việt Nam với mạng Internet. Nỗ lực của nhóm nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ vô tư và nhiệt tình của bạn bè quốc tế, trong đó đặc biệt là sự hỗ trợ của Đại học quốc gia Úc (ANU) đã giúp đưa Internet về Việt Nam rất sớm, góp phần quan trọng đối với quyết định mở cửa Internet vào cuối năm 1997, thời điểm rất sớm so với nhiều nước trên thế giới, không làm mất cơ hội kết nối với thế giới của Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập NetNam, ICTnews xin điểm lại những dấu mốc đáng nhớ của NetNam trong chặng đường phát triển vừa qua.
Khi lịch sử Internet Việt Nam mang dấu ấn NetNam
Năm 1991, TS.Mai Liêm Trực lúc đó giữ vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, đơn vị vừa đóng vai trò quản lý nhà nước vừa cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông duy nhất ở Việt Nam có cơ hội được tham dự một hội nghị mang tầm quốc tế tại Mỹ và đã được giới thiệu về Internet. Với tầm nhìn của mình, TS. Mai Liêm Trực xác định, đất nước sẽ không thể hội nhập và phát triển nếu không có Internet, thậm chí còn bị cô lập và trở nên tụt hậu.
Ở thời điểm này, ít ai có thể ngờ rằng một đơn vị nhỏ bé nằm trong Viện Khoa học Việt Nam lại chính là người lĩnh sứ mạng đưa Internet về Việt Nam, mang tên NetNam. Ông Trần Bá Thái, nguyên Giám đốc NetNam kể rằng, Việt Nam bắt đầu mở cửa từ những năm 90 nhưng từ trước đó Viện Khoa học Việt Nam đã có sự hợp tác quốc tế tương đối tốt. Nhiều cán bộ của Viện đã được đào tạo ở Đông Âu và cả Tây Âu từ những năm trước đó. Đây là lợi thế dẫn đến “cơ duyên” cho NetNam trở thành người tiên phong nghiên cứu về Internet tại Việt Nam.
“Năm 1992, chúng tôi may mắn được dự cuộc họp về Internet quốc tế lần 2 ở Kobe (Nhật Bản). Thời kỳ đó, Internet mới chỉ dừng lại trong giới khoa học và một số trường đại học của Mỹ và châu Âu. Ban đầu, chúng tôi nhìn nhận Internet như là hướng khoa học để tìm hiểu. Đến năm 1992, chúng tôi đã kết nối với một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Úc để thử nghiệm Internet. Chúng tôi thử nghiệm với nhóm của ông Rob Hurle ở Trường Đại học Quốc gia Úc nhưng cả hai chưa từng gặp mặt mà chỉ nói chuyện qua điện thoại. Lúc đó chúng tôi tạo tài khoản và thử nghiệm với tên miền của Úc vì tên miền quốc gia của Việt Nam .vn chưa được đăng ký trên Internet. Địa chỉ email đầu tiên của chúng tôi lập ở Úc là [email protected]. Địa chỉ này dùng như một thùng thư đầu mối cho toàn bộ email liên lạc giữa Việt Nam và thế giới. Mỗi người sử dụng ở Việt Nam được tạo một địa chỉ email mang tên miền Việt Nam theo dạng [email protected]. Khi chuyển sang Úc, những địa chỉ này được gắn dưới coombs.anu.edu.au để thông thương quốc tế ...” ông Trần Bá Thái nhớ lại.
Nhóm kỹ thuật NetNam chính là đội quản lý hệ thống tên miền quốc gia .vn cho đến khi chuyển giao lại cho đơn vị quản lý nhà nước về tên miền (sau này là VNNIC) vào năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam.
Năm 2001, Tuần báo Á Châu (Asia Week) đã bình chọn ông Trần Bá Thái cùng hai người khác của Ấn Độ và Mông Cổ với danh hiệu Người hùng kỹ thuật số (Digital Revolutionaries) vì những nỗ lực tột bậc để đưa Internet đến với cộng đồng.
Email đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tháng 4/1994, GS Đặng Hữu, lúc đó là Bộ trưởng Bộ KHCN và Môi trường, đã giao cho nhóm kỹ thuật của Viện CNTT/NetNam thiết lập email để phục vụ cho chuyến viếng thăm của Thủ tướng Thụy Điển. “Hồi đó, để phục vụ cho việc thiết lập email cho Thủ tướng, chúng tôi phải tự tạo phương tiện làm việc cơ động: mua “trao tay” một chiếc laptop đơn sắc (đen trắng) đã qua sử dụng nặng 3- 4 kg của một Việt kiều ở Mỹ mang về” ông Trần Bá Thái kể.
Những năm đó, Internet vẫn là chuyện “tranh tối, tranh sáng” nên để có tên miền Việt Nam (.vn) GS Trần Văn Đắc, Thứ trưởng Bộ KHCN và Môi trường đã ký công văn nhưng không đóng dấu, fax sang APNIC để đăng ký tên miền quốc gia .vn. Sau khi có địa chỉ tên miền, NetNam mới tạo lập máy chủ email đầu tiên có tên miền Việt Nam và kết nối với Internet thế giới, vẫn qua cửa ngõ nước Úc.
“Thời kỳ đó, chúng tôi chưa có kinh nghiệm lắm về cấu hình, quản lý tên miền, nên địa chỉ email của Thủ tướng là [email protected] thay vì [email protected]. Email đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Thụy Điển đã được thực hiện như vậy”, ông Thái hồi tưởng lại.
“Người hùng Internet” tìm lối đi riêng
Tháng 3/1997, Chính phủ ban hành quy chế tạm thời về quản lý, khai thác và sử dụng Internet. Theo đó, chỉ doanh nghiệp nhà nước mới được cấp phép ISP. Lúc đó, NetNam chưa là doanh nghiệp mà chỉ là một Mạng dịch vụ của Viện CNTT. Tổng Cục Bưu điện đã cấp giấy phép tạm thời ISP cho Viện CNTT vào tháng 10/1997, trước khi Internet chính thức được kết nối tại Việt Nam (11/1997). NetNam trở thành doanh nghiệp nhà nước vào tháng 11/1998, và các nhà công nghệ bắt đầu hành trình kinh doanh dịch vụ Internet trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Năm 1999 đến 2000 NetNam là ISP đầu tiên tung ra gói cước dial up trọn gói tính tiền theo tháng thay vì theo phút như bình thường. Ngay sau đó gói cước này đã được thị trường đón nhận tích cực. Những năm 2002-2003, có nhiều thời điểm NetNam đứng trong TOP 2 về thị phần thẻ Internet trả trước, với sản phẩm “thẻ Internet sinh viên”.
Nếu như NetNam được mệnh danh là người mở đường tiên phong cho thử nghiệm về mặt công nghệ để đưa Internet vào Việt Nam thì khi bước vào kinh doanh thì NetNam không có được thế thượng phong do không có lợi thế đối với đối thủ khác. Trong bối cảnh đó, NetNam đã chọn hướng đi riêng cho mình. Với đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn cao, NetNam đã chọn cho mình đối tượng khách hàng rất riêng biệt là khối khách hàng cần chất lượng dịch vụ chất lượng cao, như các khách sạn 5 sao, căn hộ cao cấp, công ty đa quốc gia…
Đối với các tập khách hàng cao cấp này, đường truyền Internet chỉ là phần nền tảng, NetNam mang đến cho khách hàng tất cả các giải pháp kỹ thuật như thiết kế, triển khai hệ thống mạng, tích hợp hệ thống quản trị, … hay cử người thường trực chăm sóc hỗ trợ, có giải pháp backup đường truyền, thiết bị để đảm bảo chất lượng cao nhất cho khách hàng.
NetNam tập trung vào đáp ứng nhu cầu tối đa cho khách hàng doanh nghiệp, khi các dịch vụ đơn thuần viễn thông - Internet thường không đáp ứng đủ. Nói cách khác, NetNam đảm bảo chất lượng dịch vụ đến tận người dùng cuối cùng, chứ không chỉ đến đầu router của kết nối Internet.
Chuyển mình
Cuối năm 2010, NetNam hoàn thành cổ phần hóa và trở thành Công ty cổ phần. NetNam chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân hàng năm của NetNam đều ở mức cao, tương ứng trên 25 - 30%.
Tiếp tục triết lý theo đuổi sự khác biệt và nỗ lực tiên phong, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững vị thế số một về dịch vụ Internet cao cấp ở những tập khách hàng truyền thống, NetNam cũng thúc đẩy việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ ICT Managed Services đặc sắc ở Việt Nam và khu vực.
Ông Vũ Thế Bình, TGĐ Công ty CP NetNam chia sẻ: “Kết nối Internet giờ đây đã trở thành thứ thiết yếu, cơ bản như điện thoại, điện, nước. Do đó, các ISP truyền thống phải dịch chuyển trở thành những nhà cung cấp dịch vụ trên nền Internet. NetNam định vị trở thành một Nhà cung cấp dịch vụ ICT Managed Services trên nền Internet độc đáo, đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của khách hàng”.
Với định vị đó, theo ông Bình, NetNam đang cung cấp dịch vụ ICT trọn gói cho khách hàng, từ kênh truyền, đến hạ tầng máy chủ - cloud, ứng dụng cơ sở hạ tầng ảo hóa, cho đến các dịch vụ đảm bảo chất lượng, giám sát chất lượng và hỗ trợ kỹ thuật cao cấp cho khách hàng.
“Về công nghệ, nỗ lực tiên phong của NetNam còn được thể hiện ở vị thế là nhà mạng Việt Nam duy nhất đang hiện diện trong top các nhà mạng thế giới có lưu lượng IPv6 đáng kể. IPv6 được coi là sở trường của đội ngũ công nghệ NetNam, chuẩn bị cho sự phát triển nhảy vọt các ứng dụng Internet trong những năm tới, khi Internet toàn cầu phải chuyển sang IPv6”, ông Bình chia sẻ.