Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Do đó, Net Zero không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh của các doanh nghiệp và người dân.
Không chỉ mục tiêu cho người giàu
“Việt Nam đang là 1 trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Với lượng phát thải khí CO2 gấp đôi trong vòng 10 năm qua”. Đây là thông tin được ông Hervé Conan, Giám đốc AFD Việt Nam cho biết tại hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu”, do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức hôm nay (27/6).
Theo ông Hervé Conan, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhất 6-7%/năm, điều đó có nghĩa sản xuất năng lượng sẽ tăng lên 10%/năm và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới.
Do đó, theo ông, cần thay đổi thói quen ngay bây giờ để bẻ đường cong tăng trưởng phát thải của khí CO2.
“Nếu không có hành động nào diễn ra, năng lượng ở Việt Nam sẽ tạo mức phát thải 75% vào năm 2050. Mục tiêu Net Zero vào năm 2050 cần có quá trình khử carbon trong lĩnh vực năng lượng và sự đồng lòng cam kết của tất cả các ngành và người dân”, ông Hervé Conan nhấn mạnh.
Trước câu hỏi Net Zero có phải “cuộc chơi của người giàu?”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk, Ban chỉ đạo dự án Net Zero Vinamilk, khẳng định, Net Zero không phải cuộc chơi xa xỉ của người giàu, mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi.
"Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không chừa một ai. Cần chung tay chống lại tác động của biến đổi khí hậu", ông Khánh nói.
Đồng quan điểm, ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast, cho rằng, mỗi người cần cố gắng vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai, cho gia đình và con cháu chúng ta.
Ông cũng cho biết, Vinfast sẽ không đặt mục tiêu đương đầu với Tesla mà muốn sản xuất các sản phẩm tốt, tham gia vào quá trình chuyển dịch xanh của Chính phủ Việt Nam, mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Trong khi đó, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cho rằng, Net Zero là xu hướng, đặc biệt với ngành hàng không, lĩnh vực đa quốc gia, quốc tế hóa, có nhiều chuẩn mực bắt buộc phải tuân thủ.
“Vì thế, nếu chúng ta không đón đầu xu hướng thì sẽ gặp khó khăn khi các quốc gia đưa ra quy định chặt chẽ hơn. Đây không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh của các doanh nghiệp, chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện”, ông Thắng bày tỏ.
Sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
“Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3, trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra”, Bộ trưởng nói và cho hay, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh, sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.
Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cùng với nguồn lực của nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.
Bà Giang cho hay, năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Còn hiện tại, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh do mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành.
“Hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh.
Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng”, bà Giang thông tin.
Đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có 10 định hướng chiến lược với các ngành, lĩnh vực cùng 8 nhóm giải pháp. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 134 hoạt động cụ thể.
Bà Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia hài hòa về nhiều yếu tố, trong đó lựa chọn các dự án đầu tư xanh, huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, giúp lượng hóa tiến độ tăng trưởng xanh. Nhờ đó các dự án xanh có điều kiện nguồn tiếp cận tài chính xanh, chính sách ưu đãi mới.
“Bộ tiêu chí nếu không mang tính bao trùm, thông lệ quốc tế sẽ rất khó huy động nguồn lực. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng ban hành chi tiết các lĩnh vực, dự án phù hợp định hướng tăng trưởng xanh. Đây là những định hướng, tiêu chuẩn phù hợp thông lệ quốc tế. Trên cơ sở này, các bộ ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn của từng bộ, ngành”, bà Ngọc chia sẻ.
Doanh nghiệp đã đầu tư 9 tỷ USD cho tăng trưởng xanhPhó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh.