Không phải Sài Gòn bây giờ mới có dân nhậu và nhiều quán nhậu mọc khắp nơi. Cái món lai rai lề đường, ngất ngưởng này từ sang tới hèn đều đã trải qua hơn 50 năm vẫn vậy.

Tờ Báo Đời Nay, in năm 1970 đã nhận xét về “nết nhậu” của dân Sài Gòn như sau: “Từ những cao lâu sang trọng mà thực khách muốn vào ít nhất phải có vài ghim (ngàn) đến những quán rượu trung bình thu hút đám người ái mộ la ve và những quán cóc nghèo nàn chỉ cần vài ba chục bạc là đủ để nhâm nhi một ly rượu cay nồng”.

Hãy theo chân một nhà báo để biết những nơi nhậu Sài Gòn ngày trước. Hoạt động sôi nổi là khu chợ dân sinh Sài Gòn thuộc loại kỳ cựu nhất. Nơi đây, ngoài men rượu ẩm khách còn say khướt bởi men tình và những vuốt ve lơi lả của các ả đào nương. Chính vì vậy nơi đây thường xảy ra những vụ đụng độ bằng võ nghệ có cả súng ống đẫm máu thấy phát ớn. Nếu so sánh ngang bằng thì trong hẻm Đại Đồng Gia Định cũng không thua gì khu dân sinh với các quán nhậu được xem là tiền bối của sờ-nách-ba (snackbar).

Đó là hai khu ăn nhậu dành cho dân chơi, có máu mặt và “củi lửa, lựu đạn” trong người. Sài Gòn cũng có những quán nhậu thuần túy dành cho người thuần túy công, tư chức trong sạch và liêm khiết. Về hình thức thì quán nào cũng giống nhau: một ngôi nhà xập xệ, những bàn ghế cây, thô sơ được đặt trên vỉa hè với đầy đủ món ẩm thực Trung Nam Bắc đề huề thân ái.

{keywords}

Mặc dù bảng hiệu tên là quán phở nhưng Phở Con Voi lại là một quán nhậu được nhiều người biết đến thời những năm 1970. Ảnh: TƯ LIỆU

Đó là những quán nhậu ở khu Bùi Viện, khu đầu đường Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu) bên hông Tổng Ngân khố (Kho bạc Nhà nước), bến Bạch Đằng, chợ Khánh Hội, đường Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai), Nguyễn Tri Phương… mà dân lai rai ngày trước chắc không thể nào không biết. Khu Bùi Viện - nằm ở khu vực ngã tư quốc tế và Đỗ Quang Đẩu với nhiều món nhắm độc đáo của miền Nam. Và ở khu vực này cũng có một dạng ẩm khách khá đặc biệt đó là nghệ sĩ cải lương, gần rạp Nguyễn Văn Hảo.

Nếu chê Bùi Viện mắc mỏ thì ẩm khách có thể hãy cùng ta đến góc Võ Di Nguy-Phủ Kiệt (Hải Triều) ngay đầu chợ cũ. Nơi đây, ngồi lai rai còn được nhìn trời trăng mây nước hay theo dõi mọi loại xe cùng tài tử giai nhân dập dìu qua lại. Bây giờ góc Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế trở nên sang trọng khi có con đường đi bộ chứ trước năm 1975 đây cũng là nơi tập trung một số quán nhậu của các vị công, tư chức hiền lành, dễ dãi chọn làm nơi họp mặt sau giờ tan sở hay những khi rỗi rảnh thanh nhàn. Mặc dù là nơi trung tâm TP nhưng lại nổi tiếng là trung tâm nhậu nhẹt rẻ tiền nên vẫn thu hút được ẩm khách bình dân. Chẳng bù như những quán nhậu kiểu Thanh Thế ở Nguyễn Trung Trực chuyên dành cho giới thượng lưu…

Nếu những khu như Bùi Viện, góc Võ Di Nguy-Phủ Kiệt chuyên trị những món miền Nam thì khu vục Hồng Thập Tự (Nguyễn Thị Minh Khai) lại tập trung những món miền Bắc. Những ai đã từng đánh chén nơi đây đều không sao quên được những dĩa tiết canh, lòng heo chấm mắm tôm, hay “truyền thống” như “mộc tồn thất thức” - mà dân “hạ cờ Tây” không thể nào bỏ qua khi đến khu này. Có những quán đến thập niên 1980 vẫn còn. Tôi nhớ có nhiều buổi trưa của những năm cuối 1980, tôi đã được hầu rượu cùng bác Nguyễn Ngọc Bạch, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh tại một trong những quán thuộc loại “Sống Trên Đời” ở khu vực thuộc loại “lưu dung” tại đây. Mỗi khi đi ngang khu vực này, tôi lại nhớ đến những câu chuyện văn nghệ mà các lão đại gia khuyên nhủ và tự hỏi mình đã làm được gì chưa.

Vẫn còn nhiều quán nhậu Sài Gòn, người viết bài không thể nhớ hết ngoài chợ Đũi vì có một nhà thơ kiêm giáo sư Tạ Ký hay ngồi chờ bạn nhưng có điều chắc là không thể nhiều và đa dạng bằng ngày hôm nay vì cái đà gia tăng dân số và chủng loại bia, rượu cùng thi nhau la lên “Ai kêu tui đó…”.

Lê Văn Nghĩa/Theo Pháp luật TPHCM