Sáng nào, ông Nguyễn Thế Dung, 75 tuổi, cũng dắt “ngựa sắt” Thống Nhất đã xuống mã ra khỏi nhà gần đường Nguyễn Chí Thanh, lọc cọc đạp tới 51 Hàng Đào - cửa hàng vẽ tranh truyền thần hiếm hoi còn lại trên khu phố cổ Hà Nội (tính đến giữa tháng 8/2023).
Sau khi đưa chiếc xe vào phía trong cùng cửa hàng hẹp ve ve toát lên vẻ xưa cũ với nền gạch hoa đơn giản trông như bàn cờ vua, mành tre buông hờ một góc, ông Dung ngồi xuống chiếc ghế cũ mòn, bắt tay vào việc.
Hộp dụng cụ của ông đầy chặt các loại bút vẽ, có loại do nhà máy sản xuất, có loại tự chế từ đũa tre, dây thép. Ông lấy bút nhẹ nhàng chấm màu vẽ mua ở cửa hàng họa cụ, phẩy tay qua lại trên bức chân dung một người đàn ông mới mất mà người nhà đặt vẽ làm tranh thờ.
“Giờ thuốc vẽ có sẵn, chạy ra hàng là mua được ngay, chứ xưa phải hì hụi hứng muội đèn dầu cả tháng mới được cục nhỏ xíu xiu”, ông Dung kể về thứ màu vẽ đặc biệt.
Xưa thắp đèn dầu, muội bám đầy bóng thủy tinh, lửa cháy càng to muội càng nhiều, nhưng thứ muội này tơi bở, độ bám dính thấp, khi vẽ lên giấy dễ rời ra. Mày mò thử nghiệm, cuối cùng ông Dung phát hiện ra cách có được màu vẽ thượng hạng. Đó là để đèn dầu cháy thật yếu, lửa nhỏ thành tia, khói đen tỏa thẳng rồi lấy mảnh kim loại ụp kênh lên trên bóng đèn hứng muội. Có được muội đèn đen ánh nâu, ông pha chút bột màu xanh tạo màu đen cần thiết để vẽ tranh truyền thần.
Cách lấy bột đen vẽ tranh truyền thần là bí quyết nghề nghiệp, không ai bảo ai. Ông Lê Minh, một nghệ sĩ quê Quảng Bình từng vẽ tranh truyền thần thời trai trẻ, kể rằng, muốn chế màu vẽ phải đốt gỗ cây xoan thành than rồi gom thứ bột đen bám dính mà vẫn dùng bông tẩy được những nét vẽ quá tay.
Về cơ bản, khi vẽ tranh truyền thần phải kẻ lưới ô vuông trên ảnh gốc (nhỏ, thường rất cũ) và trên giấy vẽ (lớn) để đảm bảo đường nét chân dung phải giống thật. Tay nghề càng cao thì các chi tiết nhỏ như râu, tóc, khóe miệng, đặc biệt là ánh mắt càng sắc nét và có hồn.
“Ảnh chụp bằng máy ảnh, điện thoại thường không bắt được thần thái ấy hoặc nếu có ảnh kỹ thuật số qua chỉnh sửa dễ mất đi tính hình khối, mọi thứ bị là phẳng, trông dài dại”, ông Dung nhận xét.
Đắt khách nhưng… buồn thảm
Nửa buổi sáng, không thấy khách đến cửa hàng, ông chỉ cặm cụi hoàn thiện bức vẽ đặt từ trước.
“Giờ đôi ba ngày vẽ xong một bức, thậm chí khách không giục nhẩn nha vẽ cả tuần. Không như thời xưa có giai đoạn ngày vẽ 2 bức. Người ta cần gấp mang về thờ”, ông Dung kể về những năm 60-70 của thế kỷ trước.
Năm 1967 và năm 1972 là hai năm Mỹ đánh phá Hà Nội ác liệt, thực sự là “những năm bom Mỹ trút trên mái nhà”. Nhiều người thiệt mạng vì bom tấn, bom bi, nhu cầu tranh thờ tăng đột biến. “Chúng tôi vẽ cật lực. Sáng đưa chiều lấy để kịp tang ma, nhận nhiều thù lao mà thấy xót xa. Có người bị ám ảnh một thời gian dài”, ông Dung trầm ngâm kể.
Những năm chiến tranh, máy ảnh hiếm nên nhu cầu về tranh truyền thần lớn. Khu phố cổ Hà Nội, trên 3 dãy phố nối tiếp nhau Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường có hàng chục cửa hàng và tiền công vẽ rất cao.
“Tôi nhớ giá gạo thời bao cấp là 4 hào (0,4 đồng) một cân, mà một bức vẽ truyền thần được trả công gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần. Thu nhập của tôi gấp mấy lần cán bộ, công chức nhà nước”, ông Dung nhớ lại.
Mai một nghề truyền thống
Đến cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, máy ảnh, máy tính bắt đầu phổ biến, đồng nghĩa nhu cầu về tranh truyền thần giảm xuống. Những năm gần đây, điện thoại thông minh xuất hiện với chức năng chụp ảnh đẹp chẳng kém gì máy ảnh. Vì thế, nghề vẽ tranh truyền thần càng nhạt phai, các cửa hàng vắng khách rõ rệt.
Nếu ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên thui thủi, sầu tủi vì phố đông người qua hiếm người thuê viết như nào thì những nghệ sĩ như ông Dung cũng có cảm giác như thế. Giấy trắng buồn không sáng, mực đen chìm hộp sâu.
“Giờ người ta bỏ ra vài chục, vài trăm nghìn rồi đợi một lúc một là có ngay tấm ảnh chỉnh sửa bằng Photoshop, in màu. Nghe nói các ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI (trí thông minh nhân tạo) còn sửa ảnh trong chớp mắt. Dù vậy, tranh vẽ truyền thần vẫn có thế mạnh riêng”, ông Dung cười lớn, lộ hàng răng “một mất một còn”.
Theo ông, giá vẽ tranh truyền thần khá cao so với in ảnh - khoảng 1 triệu đồng cho khổ giấy 18 x 24 cm, 1,2 triệu đồng cho khổ giấy 20 x 30 cm, 2 triệu đồng cho khổ giấy 30 x 40 cm… Nhưng bù lại, tranh có nét đẹp riêng, sinh động, có chiều sâu, đặc tả thần thái người được vẽ.
Dẫu vậy, số đông hiện nay vẫn thờ ơ với tranh truyền thần. Những nghệ sĩ như ông Dung tuổi cao sức yếu dần nhưng vẫn chưa tìm được truyền nhân để phát huy nghề truyền thống, một loại hình nghệ thuật độc đáo ở lưng chừng giữa hội họa và đồ họa. Ông bảo nỗi buồn này chỉ biết giấu ngược vào trong.
“Giờ bọn trẻ chỉ muốn học thiết kế đồ họa, học Photoshop vài tháng rồi đi làm kiếm tiền. Chứ xưa tôi phải học ở Hợp tác xã Truyền thần Hà Nội 2 năm, từ năm 1966 đến năm 1968 mới chính thức làm nghề. Làm nghề rồi vẫn phải học, đúng tinh thần ‘Học, học nữa, học mãi’. Nếu không, tay nghề sẽ cũ mòn đi, không giữ được tinh hoa của vẽ truyền thần”, ông tâm sự.
“Con gái tôi làm xuất nhập khẩu, con rể là kiến trúc sư, không ai theo nghề bố. Giờ tôi vui vầy với 2 đứa cháu ngoại, lên phố cổ vẽ cho vui, không phải vì mưu sinh. Nhưng tôi vẫn mong có được truyền nhân vì nghề này độc đáo lắm, chẳng lụi tàn được đâu”, ông Dung nói.
Ông bảo, khách Việt giờ có người đặt hàng nhưng không phải tất cả đều yêu cầu vẽ nét mặt nghiêm nghị, không cười để đặt trên bàn thờ như xưa, mà có khi là ảnh gia đình, ảnh cưới rạng rỡ treo trong phòng khách, phòng ngủ. Ngoài ra, khách nước ngoài đến Hà Nội cũng đặt vẽ chân dung bản thân, người nhà, bạn bè hoặc những người mà họ thần tượng.
Chị Nguyễn Thanh Tâm (công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay: “Cuối tuần định lên phố đi bộ rồi qua nhờ vẽ truyền thần chân dung ông ngoại vì rất thích nét vẽ tay có hồn của người nghệ sĩ. Ngoài ra, cũng định đưa ảnh cả nhà (chụp với chồng và con gái) nhờ vẽ để về trưng”.
Ông Nguyễn Bảo Nguyên (sinh năm 1936) từng truyền nghề cho con trai nhưng được một thời gian, anh con trai sang Đức làm ăn. Em trai ông Nguyên là ông Nguyễn Bảo Sinh (nhà thơ dân gian nổi tiếng với những câu thơ ngỡ như ca dao ‘Vợ là cơm nguội nhà ta/Lại là phở tái thằng cha láng giềng’, ‘Thà rằng ở với thằng tù/Còn hơn ở với thằng tu giả vờ’…) một thời cũng lăn lộn với nghề vẽ truyền thần, nhưng sau chuyển sang xây dựng khách sạn chó mèo, nghĩa địa động vật…
Trước đây khu phố cổ có cửa hàng truyền thần của ông ở 51 Hàng Đào, của ông Bảo Nguyên là 47 Hàng Ngang, của ông Trần Thịnh tại 24 Hàng Đường… nhưng phần lớn đã chuyển về vẽ túc tắc tại nhà riêng. “Ông Bảo Nguyên đang sửa sang lại cửa hàng trên phố cổ để mở cửa trở lại trong mấy ngày tới”, ông Dung báo tin vui với người viết trước khi chia tay.
Nguyệt Hà - Linh Nhi