- “Nhiều lúc tôi tự ti, đặc biệt khi tham gia các cuộc họp sang trọng vì gương mặt không sáng và hằn nhiều nếp nhăn. Nhưng nhìn lại thì tôi thấy tự hào. Những nếp nhăn trên da tôi như là những nếp nhăn trong não, và tôi không còn suy nghĩ về điều đó nữa” - TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ.
Nữ tiến sĩ 10 năm nghiên cứu 26 bài bài ISI
Tiễn sĩ Nguyễn Thị Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM vừa được trao 20.000 USD trong cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ về nghiên cứu chăm sóc sức khỏe tại nhà nhằm giảm áp lực lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các đô thị.
Tiễn sĩ Nguyễn Thị Hiệp trong 10 năm nghiên cứu có 26 bài báo đạt ISI |
Đó là giải thưởng dành cho nghiên cứu về các vật liệu như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim có thể sử dụng dễ dàng để thực hiện sơ cứu hiệu quả. Nghiên cứu này xuất phát từ việc chị Hiệp nhận thấy sự di cư từ nông thôn ra thành thị gây nhiều áp lực cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại các thành phố lớn, còn các vật liệu sinh học và thiết bị y tế thông minh có thể giúp chăm sóc mọi người tại nhà.
Trước đó một năm, nữ tiến sĩ này cũng được vinh danh trong khuôn khổ của giải thưởng khoa học L’Oreal - UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. Chị Hiệp được hội đồng khoa học giải thưởng đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, có tâm huyết với nghiên cứu khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.
Từ chối cơ hội ở nước ngoài để về làm trong nước
TS Nguyễn Thị Hiệp từng là cựu sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Tốt nghiệp đại học, chị sang Hàn Quốc học cao học và làm nghiên cứu sinh. Từng được để nghị ở lại làm việc với mức lương hàng nghìn USD nhưng năm 2012, chị Hiệp trở về nước làm giảng viên Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế.
Những ngày đầu nghiên cứu, chị Hiệp phải đối diện với nhiều khó khăn khi điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, thậm chí không dự án, không tài trợ. Để nuôi đam mê nghiên cứu, chị phải tìm nguồn tài trợ từ nước ngoài. Nhiều lúc bản thân chị tự bỏ những đồng lương ít ỏi hỗ trợ nhóm nghiên cứu.
“Tôi sinh ra để làm khoa học nên đưa tôi vào vị trí khác chắc cũng không làm tốt. Vì vậy ngoài tình yêu gia đình, tình yêu nghề nghiệp rất quan trọng vì xuất phát từ niềm đam mê chứ không phải từ đồng lương. Nhiều người thấy tôi đi cả thứ bảy và chủ nhật thì nghĩ trường bắt làm, nhưng không phải như vậy mà do tôi tự vạch ra đường đi cho mình. Tôi yêu và xây dựng nghiên cứu khoa học như một đứa con ngoài những đứa con tôi đã sinh đẻ. Vì đây là đứa con tinh thần của tôi nên cũng đẹp đẽ như con của tôi”- chị Hiệp tâm sự.
Hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, chị Hiệp đã có 26 công bố khoa học thuộc ISI, 6 công bố khoa học thuộc tạp chí quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các Hội nghị Quốc tế và nhiều công trình khoa học được trao giải thưởng.
Chị Hiệp cho biết, nhiều lúc chị tự ti vì gương mặt tôi không sáng do hằn nhiều nếp nhăn, nhưng khi nhìn lại chị thấy niềm tự hào. |
Chị bảo, những giải thưởng khoa học đem lại cho chị niềm vui, nhưng hơn hết niềm tự hào cho học trò, vì họ cần có động lực, đường đi nước bước. Đặc biệt, khi nghiên cứu khoa học còn mù mờ, sinh viên và phụ huynh rất hoang mang, chỉ những người cởi mở mới nhận ra làm khoa học rất hay, "nên giải thưởng nhỏ cũng là động lực có giá trị".
"Mỗi nếp nhăn trên da tôi như nếp nhăn trong não"
36 tuổi đời, chị Hiệp có sự nghiệp nghiên cứu khoa học khiến nhiều người khỏi ngưỡng mộ. Nếu làm một phép tính đơn giản, trung bình hơn một năm tuổi đời chị sẽ có một bài báo. Chị Hiệp bảo, mỗi người trung bình phải một bài báo khoa học trong năm cũng mệt, nhưng với chị 3 bài vẫn chưa đủ.
"Tôi nhớ những bài nghiên cứu khi ở nước ngoài, nhưng nhớ nhất là ngày đầu tiên về nước có một công trình mang tên tôi và tên đất nước Việt Nam bên cạnh. Tôi vui sướng vì nghĩ đã làm được việc gì đó để thể giới biết rằng người Việt Nam cũng rất trí tuệ. Niềm hân hoan đó giống như việc đặt lá cờ khi chinh phục một đỉnh núi mới. Những nghiên cứu sau này có nhiều thăng trầm hơn. Những lúc ấy nhớ về cảm giác ban đầu tôi lại có thêm động lực để làm nhiều hơn” - chị Hiệp nói.
Theo chị Hiệp, nghiên cứu khoa học không chỉ là trộn chất A vào chất B để ra một chất C mànghiên cứu để có ứng dụng thật sự. Trong nghiên cứu chị đặt ra phương châm không vội nhưng phải chất lượng.
Chị đã dành cả tuổi thanh xuân để nghiên cứu khoa học |
“Vì việc làm của tôi bây giờ sẽ còn “dây mơ rễ má" tới thế hệ sau. Khi đó, không còn là cuộc sống của tôi nhưng là của con cháu tôi” – chị tâm niệm.
Với chị Hiệp, việc đến với khoa học là cái duyên và đam mê, nên chị chấp nhận có nhiều đêm thức tới 2-3h sáng, hoặc mùa hè đồng nghiệp đi chơi còn chị hì hụi viết dự án.
Tôi hỏi chị Hiệp, điều gì ở bản thân khiến chị yêu nhất? Chị Hiệp nói rằng đó là những nếp nhăn.
“Nhiều lúc tôi tự ti, đặc biệt khi tham gia những cuộc họp sang trọng, vì gương mặt không sáng do hằn nhiều nếp nhăn. Nhưng khi nhìn lại tôi thấy tự hào. Những nếp nhăn trên da tôi như những nếp nhăn trong não, và điều này khiến tôi không còn suy nghĩ nữa. Lúc ấy tôi tự trấn an để bình tĩnh. Tôi đã đánh đổi nét mượt mà, tuổi thanh xuân của người phụ nữ để nghiên cứu khoa học” - chị Hiệp bộc bạch.
Tiến sĩ Hiệp cũng tâm sự rằng những thành công trong nghiên cứu khoa học đã giúp chị vượt qua định kiến nghiên cứu khoa học thì không được gì.
"Đến lúc này, tôi đã thuyết phục mọi người rằng đam mê của mình là đúng. Ba mẹ ở quê cũng rất tự hào khi có một người con rất nhỏ nhưng có đầu rất to. Quan trọng hơn, dù nhiều người thấy tôi già hơn tuổi nhưng trong tâm trí tôi thoải mái, tự do, làm được điều mình thích”.
Lê Huyền