Với slogan nổi tiếng “đặt hàng trước 11 giờ đêm, nhận trước 7 giờ sáng”, nền tảng mới thành lập năm 2015 này đang phát triển nhanh chóng, thậm chí vượt mặt các lão làng khác để vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua giao hàng xuyên đêm ở xứ Kim Chi.

Kurly chủ yếu cung cấp dịch vụ giao hàng xuyên đêm tại Seoul và khu vực phụ cận. Khách hàng của nền tảng chủ yếu là những người độc thân hay các đôi vợ chồng trẻ mà cả 2 đều phải đi làm không có thời gian đi chợ. Sản phẩm được giao bao gồm nông sản, thịt, hải sản tươi sống cho tới các món ăn cao cấp đã được chế biến.

Theo số liệu tới năm 2021, với việc số lượng các gia đình có thu nhập kép gia tăng tại Hàn Quốc, dịch vụ này đã thu hút được 10 triệu người dùng thường xuyên (tăng 43% so với năm 2020), chiếm hơn 20% dân số tại khu vực thủ đô Seoul. Cũng trong năm này, Kurly đạt doanh thu hợp nhất 1,56 nghìn tỷ Won (1,3 tỷ USD), tăng 64% so với cùng kỳ năm trước

Điểm độc đáo của nền tảng này là cam kết giao hàng đúng vào 7 giờ sáng hôm sau với tất cả những đơn hàng được đặt trước 11 giờ đêm hôm trước. Với mặt hàng rau tươi và trái cây, Kurly khẳng định đều là các sản phẩm vừa thu hoạch trong vòng 24 tiếng.

{keywords}
 

Để đáp ứng mục tiêu và chất lượng sản phẩm ở mức cao nhất, chợ Kurly đã xây dựng một hệ thống vận tải hậu cần hiệu quả cao, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy học, IoT… để dự báo nhu cầu chính xác của người tiêu dùng, sau đó tính toán quãng đường vận chuyển tối ưu nhất vào đầu giờ sáng mỗi ngày.

Tập trung vào sự hài lòng của khách hàng

Tương tự như bất kỳ quốc gia nào khác trong thời buổi hiện nay, Hàn Quốc cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần trong miếng bánh dịch vụ mua sắm trực tuyến.

Sophie Kim, nhà sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của nền tảng Market Kurly, nhấn mạnh nền tảng này không đặt nặng vấn đề cạnh tranh với các đối thủ khác. Nếu công ty lấy thước đo danh sách sản phẩm để làm tiêu chí vượt qua đối thủ, thì nền tảng này không thể duy trì mô hình kinh doanh của mình, vốn đang đặt trọng tâm vào các sản phẩm tươi sống vừa thu hoạch.

Nữ CEO cũng cho biết, nếu dồn nguồn lực vào việc loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không tạo ra đủ lợi nhuận để đáp ứng hoạt động của chính mình cùng với các hợp đồng đã ký với người nông dân và ngư dân. Trong khi đó, mục tiêu “tối thượng” của Kurly là sự hài lòng của khách hàng.

Đi trước khách hàng 1 bước

Thuở ban đầu, Kurly sử dụng Microsoft Excel và AWS (Amazon Web Services) để chạy các phân tích dự báo. Tuy nhiên, qua thời gian các phương pháp “thủ công” như vậy ngày càng trở nên kém hiệu quả và thường dẫn tới kết cục là “các nhân viên phải sử dụng số sản phẩm thừa trong kho”.

Sau đó, Market Kurly phát triển hệ thống phân tích dữ liệu lớn (big data) của riêng mình có tên Data Collecting Doggy (DCD). Hệ thống dựa trên các thuật toán đặc biệt và kỹ thuật máy học, có khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu tích hợp song song với việc thu thập hơn 3 triệu điểm dữ liệu mỗi quý.

Dựa vào dự báo trên hệ thống, nền tảng giao hàng có thể “đi trước khách hàng một bước”. Ví dụ, đối với mặt hàng bào ngư tươi, Kurly đặt hàng từ nhà cung cấp từ 2 ngày trước khi nhận được đơn thực tế của người dùng. Các dự báo của Kurly cho thấy kết quả khá chính xác: số sản phẩm thừa trong kho chỉ rơi vào khoảng 1%.

“Năng lực cốt lõi của chúng tôi là dự đoán chính xác nhu cầu của người tiêu dùng và quản lý hàng tồn kho dựa trên phân tích big data. Các bạn có thể coi công ty chúng tôi một nửa là nhà phân phối một nửa là CNTT”, CEO Kurly từng nói.

Hệ thống thu thập dữ liệu DCD còn có tính năng chia sẻ doanh số cập nhật, mức tồn kho và cập nhật dự báo nhu cầu cho nhân viên sau mỗi 30 phút. Những dữ liệu này không chỉ cung cấp thông tin về quy trình hoàn thành đơn đặt hàng, mà còn góp phần vào hoạt động tiếp thị cũng như chăm sóc khách hàng, khuyến khích nhân viên áp dụng tư duy dựa trên dữ liệu.

Công nghệ tối ưu quy trình vận tải và hậu cần

Các mặt hàng tươi sống luôn là một thách thức cho mọi nhà phân phối trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều quan trọng nhất là hệ thống dây chuyền lạnh cần được quản lý hiệu quả nhằm duy trì nhiệt độ tối ưu cho từng sản phẩm trong suốt quá trình từ khi thu hoạch cho tới tay người tiêu dùng. Và đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của tay chơi mới trong lĩnh vực giao hàng nhanh, khi áp dụng “dây chuyền lạnh hoàn toàn – full cold chain”.

Kurly đang là cửa hàng tạp hóa trực tuyến cao cấp duy nhất tại Hàn Quốc cung cấp dịch vụ “giữ nhiệt độ cho tới những cây số cuối cùng”. Công ty này sử dụng các xe tải có thùng lạnh, duy trì nhiệt độ có kiểm soát của sản phẩm từ điểm thu hoạch cho tới điểm phân phối.

Công ty cho biết đã bắt đầu phát triển hệ thống dây chuyền lạnh từ năm 2015 khi mua lại một hãng vận chuyển đông lạnh nhỏ có tên là Daily Cool với khoảng 80 xe tải cấp đông. Tới nay, Kurly đang sở hữu khoảng 600 xe tải lạnh.

Đội ngũ xe này được áp dụng giải pháp quản lý nhiệt độ và độ ẩm theo thời gian thực với công nghệ dựa trên Internet vạn vật (IoT), điều hành bởi các trung tâm phân phối của công ty tại Hàn Quốc.

Sau khi thời điểm chốt đơn vào 11h đêm, Kurly sử dụng TMS (hệ thống quản lý giao thông), với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, tính toán tuyến đường hiệu quả nhất cho từng xe giao hàng dựa trên vị trí cụ thể và tình hình giao thông thời gian thực. Trong vòng 5 tiếng, mỗi xe tải dự kiến hoàn thành 120 đơn hàng, tương đương 2,5 phút/đơn.

Là nền tảng dẫn đầu trong cuộc đua dịch vụ giao hàng xuyên đêm tại Hàn Quốc, hơn 75% khách hàng đầu tiên đã quay trở lại tiếp tục sử dụng dịch vụ của công ty, so với tỉ lệ trung bình của ngành này chỉ khoảng 29%. Sau 5 vòng gọi vốn, tới năm 2021, startup này đã thu hút được khoảng 420 tỷ Won và sự chú ý của nhiều nhà đầu tư lớn như Sequoia Capital, Hillhouse Capital và DST Global. Với đà phát triển mạnh mẽ, Kurly đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ngay trong năm 2022.

Vinh Ngô

Vì sao Bình Phước, Đắk Nông tăng hạng ấn tượng về chuyển đổi số?

Vì sao Bình Phước, Đắk Nông tăng hạng ấn tượng về chuyển đổi số?

Theo xếp hạng của Bộ TT&TT, năm 2021 Bình Phước và Đắk Nông đều đã có những bước tiến ấn tượng về chuyển đổi số, tăng lần lượt 16 và 13 bậc. Kết quả này có được trước hết là nhờ vào tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh.