Tìm kiếm những “vùng đất về chính sách” có thể giải phóng

Nền tảng công chứng trực tuyến (CCOL) của Công ty cổ phần dịch vụ công chứng trực tuyến là nền tảng số thứ ba được Bộ TT&TT giới thiệu và đánh giá công khai trong diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” vào ngày 23/4.

Là hoạt động tiếp nối của chuỗi sự kiện “Ngày thứ Sáu công nghệ” trong năm 2020, diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” được tổ chức theo format mới song mục tiêu vẫn nhằm tìm kiếm, phát hiện, đánh giá các nền tảng số tốt do doanh nghiệp Việt Nam phát triển để góp phần giải các bài toán của xã hội và hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

{keywords}
Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Trần Thị Quốc Hiền khẳng định, Bộ TT&TT sẽ là điểm đến của tất cả mọi đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các nút thắt chính sách.

Phát biểu tại diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” số 3, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách hơn là về công nghệ. Sự phá hủy của công nghệ cần sự giải phóng về chính sách. Các nền tảng công nghệ tự thân không thể giải phóng chính sách, đó là việc của cơ quan quản lý; nhưng lại có thể làm được một việc là giúp cơ quan quản lý tìm ra những “vùng đất” có thể giải phóng và làm thế nào để giải phóng.

“Chúng tôi mong muốn tất cả các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay hãy coi đây là một trong những trọng trách của mình. Bộ TT&TT sẽ là điểm đến của tất cả mọi đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về các nút thắt chính sách”, bà Hiền chia sẻ.

Hướng tới đưa toàn bộ hoạt động công chứng lên môi trường trực tuyến

Ra đời từ tháng 7/2020, theo ông Trần Quốc Bảo, CEO Công ty cổ phần dịch vụ công chứng trực tuyến, nền tảng CCOL xuất phát từ chính nhu cầu thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động công chứng cũng như các hoạt động kinh tế xã hội khác bị ảnh hưởng.

Là một trong những nền tảng công chứng trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, sau 6 tháng triển khai, nền tảng CCOL đã có hơn 2.000 user, trên 2,5 triệu lượt công chứng và nhận được nhiều đánh giá, phản hồi tích cực từ các đơn vị công chứng cũng như người dân.

Có định hướng phát triển thành nền tảng hỗ trợ thực hiện tất cả hoạt động công chứng trên môi trường trực tuyến, song đại diện đơn vị phát triển nền tảng CCOL cho biết, để thực hiện tầm nhìn này, nhóm phát triển đang triển khai từng bước cơ bản.

{keywords}
Theo chia sẻ của CEO Công ty cổ phần dịch vụ công chứng trực tuyến Trần Quốc Bảo, nền tảng CCOL ra đời từ chính nhu cầu thực tế để giải quyết nỗi đau của xã hội.

Với việc kết nối khách hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng trên cả nước, nền tảng CCOL giúp người dân và doanh nghiệp – những người có nhu cầu chứng thực, công chứng hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chứng khi hồ sơ chưa đầy đủ, tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Theo ước tính của chúng tôi, hệ thống giúp người dân có nhu cầu công chứng, chứng thực có thể tiết kiệm tới 70% thời gian chuẩn bị hồ sơ so với cách làm truyền thống. Khi phát sinh nhu cầu công chứng, chưa biết nên tập hợp và chuẩn bị hồ sơ, tài liệu gì, người dân có thể trao đổi để được công chứng viên hướng dẫn trước qua hệ thống”, đại diện nhóm phát triển nền tảng CCOL thông tin.

Hệ thống cũng cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên và giao hồ sơ để công chứng viên thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để công chứng viên kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng, theo đó các bên bắt buộc phải ký trước mặt công chứng viên.

Bên cạnh đó, qua hệ thống CCOL, người dùng có thể đánh giá công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, từ đó hệ thống sẽ tư vấn cho người dùng lựa chọn  công chứng viên và tổ chức hành nghề được đánh giá chất lượng phục vụ tốt nhất.

Với các đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng, CCOL hỗ trợ họ quản trị hoạt động của tổ chức mình như một doanh nghiệp độc lập.

Ngoài ra, hệ thống cũng giúp các cơ quan nhà nước giám sát theo thời gian thực để định hướng quản trị hoạt động công chức trên địa bàn một cách nhanh chóng và trực quan.

{keywords}
Nền tảng công chứng trực tuyến CCOL là giải pháp thứ ba được Bộ TT&TT giới thiệu tại diễn đàn "Thách thức công nghệ số Việt Nam".

Đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố bảo mật thông tin, nhóm phát triển nền tảng CCOL cho hay, với cơ chế mã hóa thông tin, các hình ảnh, dữ liệu người dùng đưa lên đều được mã hóa và khi công chứng viên nhận tài liệu phải có hệ thống giải mã mới đọc được. Nền tảng cũng áp dụng các chính sách bảo mật, có cơ chế phân cấp nhằm đảm bảo an toàn thông tin.

Theo nhận định của đại diện Cục Tin học hóa, nền tảng CCOL có nhiều tiềm năng phát triển, song hiện tại chưa bộc lộ hết. Bình chọn của những người tham dự sự kiện giới thiệu nền tảng CCOL cũng cho thấy, có tới gần 60% đánh giá đây là một nền tảng hữu ích.

Đại diện Cục Tin học hóa mong rằng sau buổi giới thiệu, Công ty cổ phần dịch vụ công chứng trực tuyến sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều tính năng để hoàn thiện sản phẩm, đồng thời đồng hành với Bộ TT&TT, đầu mối là Cục Tin học hóa để vừa tạo ra một nền tảng xuất sắc, vừa giúp cơ quan nhà nước tháo gỡ các nút thắt chính sách. 

Phương châm của chuyển đổi số năm 2021 là chủ động đi tìm và giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội. Đây cũng sẽ là kim chỉ nam của diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”. Theo đó, các nền tảng được chọn ra mắt phải là sản phẩm được sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh đi giải quyết những nỗi đau đó bằng công nghệ số.

M.T

Thách thức công nghệ số Make in Vietnam

Thách thức công nghệ số Make in Vietnam

Chương trình giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số quốc gia trong “Ngày thứ Sáu công nghệ” đã được làm mới với tên gọi “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam”. Số đầu tiên sẽ diễn ra ngày 9/4.