Báo cáo của Deloitte hồi tháng 5/2021 đánh giá người tiêu dùng số đang đóng góp nhiều nhất vào doanh thu bán hàng của doanh nghiệp Việt.
Theo khảo sát này, khi được hỏi về động lực để quay lại mua hàng, 3 câu trả lời chiếm đa số là: mức độ hài lòng với lần mua trước đó (19%), sự thuận tiện và tốc độ giao hàng (17%) và trải nghiệm dịch vụ khách hàng dễ chịu (15%).
Xây dựng trải nghiệm cá nhân hoá giúp doanh nghiệp thu hút người dùng quay lại mua sắm. (Ảnh: Hải Đăng) |
Để thoả mãn những yếu tố trên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ hiện nay có xu hướng chuyển đổi số dựa trên xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng. Từ khối dữ liệu lớn này, doanh nghiệp xem xét lại toàn bộ hành trình khách hàng để cá nhân hoá các trải nghiệm, thu hút khách quay trở lại.
Tiến sĩ Đinh Lê Đạt, đồng sáng lập Học viện nền tảng dữ liệu khách hàng (CDPI) tại khu vực Đông Nam Á, cho rằng để cá nhân hoá trải nghiệm mua hàng, doanh nghiệp cần có cơ sở dữ liệu của khách hàng. Muốn vậy, họ cần có nền tảng quản trị dữ liệu khách hàng (CDP – Customer Data Platform), vốn được nhiều nhà bán lẻ lớn trong khu vực áp dụng thành công.
“Nền tảng này giúp xây dựng chân dung khách hàng 360 độ và phân tích dữ liệu để phục vụ từng khách hàng riêng lẻ”, ông Đạt lý giải.
CDP là một nền tảng hợp nhất dữ liệu khách hàng từ nhiều nguồn, tổng hợp các thông tin đó nhằm khái quát một chân dung của khách hàng. Từ đó doanh nghiệp có thể tạo ra những trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao nhất cho khách hàng của họ.
Bản chất của nền tảng này là hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong mảng bán lẻ khi tối ưu tỷ lệ chuyển đổi, gia tăng tần suất quay trở lại mua sắm của khách hàng, cũng như tăng giá trị đơn hàng trung bình mỗi lần mua sắm.
"Với việc tích hợp CDP vào hệ thống, doanh nghiệp có thể đo lường, phân tích các dữ liệu để đưa ra những chiến lược tiếp thị/trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao nhất cho tập khách hàng mục tiêu của họ", ông Serm Teck Choon, CEO Antsomi, một trong những doanh nghiệp cung cấp các giải pháp CDP cho khu vực Đông Nam Á cho biết.
Đối với thị trường Việt Nam, ông Đạt chia sẻ, hiện tại các doanh nghiệp nói chung và những doanh nghiệp bán lẻ nói riêng vẫn đang ở bước đầu tiên trong việc áp dụng CDP. Trên thị trường đã có các giải pháp CDP để doanh nghiệp chọn lựa, thay vì xây dựng mới.
Muốn chọn giải pháp CDP phù hợp, doanh nghiệp cần tìm đến những nhà cung cấp có uy tín. Giải pháp phải đáp ứng được tất cả nhu cầu đầu - cuối, bao gồm ghi nhận, phân tích cho tới gợi ý được các kịch bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực thi. Doanh nghiệp khi sử dụng giải pháp có thể tự vận hành xuyên suốt mà không cần chi trả tiền để bổ sung thêm các tính năng khác.
Thêm vào đó, giải pháp phải có khả năng bản địa hóa theo yêu cầu riêng biệt từ dữ liệu bán lẻ tới kênh tiếp thị, bán hàng của từng thị trường Đông Nam Á.
“Ví dụ ở thị trường Việt Nam, giải pháp phải điều chỉnh được để tích hợp vào POS & ERP - hai hệ thống xuất hiện ở hơn 90% chuỗi bán lẻ của Việt Nam, cũng như thực hiện tiếp thị qua Zalo, SMS, hệ thống chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp hoặc các kênh thương mại điện tử”, ông Đạt phân tích.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang lấy khách hàng làm trọng tâm, việc chỉ dừng lại ở chăm sóc trải nghiệm mua hàng ở hiện tại là chưa đủ. Trong tương lai, bài toán dành cho doanh nghiệp để phát triển bền vững là dự đoán được nhu cầu và xu hướng của khách hàng. Để có được điều này, doanh nghiệp nhất thiết phải nắm được dữ liệu khách hàng và phân tích, sử dụng được dữ liệu này.
Hải Đăng
Hệ thống dữ liệu quyết định tính thông minh của đô thị
Theo các chuyên gia, khi xây dựng và liên thông được dữ liệu, thông tin đô thị được cập nhật, xác thực hơn, chính quyền đô thị có các công cụ phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra các quyết định quản lý.