Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người là một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948. Được xây dựng dựa trên nền tảng đạo đức, với các cam kết chính trị quốc tế mạnh mẽ và nền tảng pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong phạm vi mỗi quốc gia và toàn cầu, dù trải qua 70 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị bởi sức sống trường tồn của Tuyên ngôn.
Trong khi nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, chính trị và pháp lý về quyền con người, các nhà nghiên cứu con người đương đại đều viện dẫn các giá trị, tư tưởng quyền con người, nhân đạo trong một số bộ luật cổ như Bộ luật Hammurabi khoảng 1789 TCN của người Babilon, Luật của Cyrus Đại Đế, Kinh Phật 586-456 TCN, Luận ngữ của Khổng Tử 479–421 TCN; Kinh Thánh 7-1 TCN, Kinh Koran 610-612 TCN…
Đây được coi là những nguồn tư liệu thành văn cổ xưa nhất của loài người đều nhắm vào các câu hỏi về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của con người đối với con người và đối với cộng đồng xã hội. Và dù là Phương Đông hay Phương Tây, hầu hết trong truyền thống văn hóa đều có truyền thống tương tự ở cửa miệng, hay coi đó là “quy luật vàng” rằng “hãy đối xử với người khác như là bạn muốn người ta đối xử với bạn”.
Dù thể hiện dưới hình thức truyền miệng hay là dạng thành văn, các xã hội đều đã có hệ thống phép tắc và luật lệ, cũng như các cách thức hướng tới sức khỏe và phúc lợi cho các thành viên của mình. Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng: “xưa nay nói đến quyền con người là nói đến những giá trị xuất phát từ ý tưởng nhân văn, về đạo đức con người, về giá trị làm người”.
Nhưng thực tế trớ trêu thay, không phải ai cũng đều thấu hiểu về ý nghĩa và giá trị làm người, được đối xử như những gì mình muốn. Bởi trong lịch sử từ thời cổ đại đến hiện đại ngày nay, các giá trị về đạo đức, về nhân phẩm con người luôn chỉ là những khát vọng, là mục tiêu hướng tới, mặc dù “sự thật hiển nhiên rằng con người sinh ra là tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong cảnh xiềng xích” và xã hội luôn tồn tại tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị.
70 năm ngày Tuyên ngôn nhân quyền thế giới |
Khi những mâu thuẫn chính trị, xã hội không thể điều hòa được, như C. Mác đã nói, thì tất yếu xẩy ra đấu tranh, và nguyên lý “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”. Đấu tranh là để chống bạo tàn, chống áp bức, bóc lột và bất công xã hội. Lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới từ Cổ đại, Cận đại, Trung đại và hiện đại ngày nay được chứng minh suy cho cùng là lịch sử đấu tranh vì nhân phẩm, giá trị của con người, vì quyền con người.
Tuy nhiên, thế giới loài người chỉ thực sự ý thức được về giá trị của nhân phẩm con người, về quyền sống, quyền tự do và bình đẳng sau khi thảm họa của hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) và lần thứ 2 (1939 – 1945) trong thế kỷ 20 gây ra đã vi phạm và chà đạp thô bạo, phổ biến các quyền, tự do, nhân phẩm của con người như trong lời mởi đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã viết “thảm họa chiến tranh xảy ra đã hai lần trong đời chúng ta gây cho nhân loại những đau thương không thể nào kể xiết”, khiến các quốc gia, cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc về hậu quả của sự không liên kết trong việc bảo vệ hòa bình, nhân phẩm và các quyền con người.
Đây chính là cú huých lịch sử tạo bước ngoặt dẫn tới sự ra đời của LHQ – tổ chức quốc tế lớn nhất hiện nay, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cam kết bảo vệ, thúc đẩy, phát triển các quyền và tự do cơ bản của con người trên phạm vi toàn cầu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người là nền tảng duy trì hòa bình và công lý cho nhân loại, cần thiết tìm kiếm những phương thức nhằm tăng cường hợp tác quốc tế với mục tiêu bảo vệ quyền con người chống lại sự thực thi một cách độc đoán của quyền lực nhà nước và cải thiện điều kiện sống của cá nhân. Việc thiết lập trật tự pháp lý mới dựa trên những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, được xác định tại Điều 1 của Hiến chương là: “Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.
Điều 68 của Hiến chương Liên hợp quốc ủy quyền cho Hội đồng Kinh tế, Xã hội thành lập các ủy ban chuyên môn trong đó có UB Quyền con người (nay là Hội đồng Quyền con người). Ủy ban được thành lập năm 1946, đã bắt tay ngay vào việc soạn thảo Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Dự thảo được hoàn tất và chính thức được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1948.
Bản tuyên ngôn với lời mở đầu và 30 điều được sử dụng bằng những từ ngữ pháp lý dễ hiểu, dễ cảm hứng cho người đọc và mang tính triết lý. Điều khoản thứ nhất tuyên bố: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền”. Quy định này đã khẳng định chắc chắn rằng quyền con người là tự nhiên (không phải do bất kỳ nhà nước nào ban tặng mà do tạo hóa ban cho ngay từ khi con người được sinhh ra), và bình đẳng trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong toàn bộ các quy định của Tuyên ngôn.
Điều 2 khẳng định rằng các quyền được nêu trong bản Tuyên ngôn này được áp dụng cho tất cả mọi người, không có bất kỳ một hình thức phân biệt hoặc đối xử nào về chủng tộc, màu da, hay giới tính; không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác; nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội. Nguyên tắc này xuyên suốt toàn bộ các điều khoản của Tuyên ngôn, nhằm để khẳng định chính xác ai được hưởng những quyền này, hầu hết tất cả các điều khoản trong Tuyên ngôn đều bắt đầu bằng hai từ: “Mọi người”.
Các điều khoản tiếp theo của Tuyên ngôn liệt kê và mang tính mô tả nội dung các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa và cuối cùng xác định nghĩa vụ của cá nhân với cộng đồng.
Với cách thức diễn đạt dễ hiểu, dễ được chấp ở mọi nền văn hóa khác nhau, Tuyên ngôn rõ ràng là Tuyên bố mang giá trị chính trị - đạo đức nhiều hơn là văn kiện pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia. Có được kết quả này là nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng thế giới cùng nhau xây dựng, dựa trên việc thừa nhận phẩm giá vốn có, các quyền bình dẳng và bất di, bất dịch của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Từ khi ra đời đến nay, các quy định của Tuyên ngôn vẫn thường được dùng để đánh giá hành động của các chính phủ, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, vi phạm, chà đạp quyền con người. Ở cấp độ quốc gia, nhiều điều khoản của Tuyên ngôn cũng được đưa vào hệ thống pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới, cho dù có khác nhau về chế độ chính trị hay phát triển về kinh tế, xã hội hay sự khác biệt về văn hóa.
Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người là một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Hiện nay Tuyên ngôn đã được dịch ra trên 360 thứ tiếng khác nhau và trở thành hòn đá tảng cho mọi hành động của các chính phủ, mọi người dân và các tổ chức phi chính phủ. Nó đã được phê chuẩn bởi các quốc gia trên thế giới. Trong thực tiễn chưa có văn kiện quốc tế nào khác có được vinh dự này.
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Xuân Nhân (ghi)