Theo ước tính từ Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA), sự suy giảm liên tục trong tuyển sinh sinh viên quốc tế kể từ năm 2016 đã khiến nền kinh tế Mỹ mất 11,8 tỷ đô la và hơn 65.000 việc làm.

“Có nhiều biến số, nhưng chủ yếu là chính sách từ chính quyền đã thúc đẩy các con số theo hướng đó”, Rachel Banks, giám đốc chính sách công tại NAFSA nói.

Các sinh viên quốc tế cho rằng việc xin thị thực vào Mỹ là khó khăn hơn và họ ngày càng cảm thấy không an toàn ở Mỹ, dữ liệu khảo sát NAFSA cho thấy.

“Không chỉ các chính sách chống người nhập cư của chính quyền này mà còn có cả những mối lo ngại về bạo lực súng đạn ở Mỹ”, Banks nói. “Đã có một số vụ nổ súng xảy ra và được báo cáo trên toàn thế giới. Phụ huynh chắc chắn tính đến tất cả những điều này khi họ nghĩ đến một nơi cho con đi học”.

Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, số sinh viên quốc tế mới giảm 0,9% trong năm học 2018-2019, sau khi giảm 6,6% số lượng ghi danh mới trong năm trước đó. Điều này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ chứng kiến ​​sự suy giảm trong vòng ba năm.

{keywords}

Nền kinh tế Mỹ đang mất hàng tỷ đô la vì lượng du học sinh giảm (Ảnh minh họa)

Việc sụt giảm lượng sinh viên quốc tế gây ảnh hưởng tới tài chính các trường. Tại California State University Northridge, việc giảm sinh viên quốc tế từ năm 2016-2019 đã dẫn đến việc mất 26% doanh thu khoảng 6,5 triệu đô la.

Hơn một triệu sinh viên quốc tế hiện đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã đóng góp gần 41 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ 458.290 việc làm trong năm học 2018-2019.

Sinh viên quốc tế có ý nghĩa rất lớn đối với ngân sách của trường vì nhiều trường cao đẳng và đại học thu học phí cao hơn từ họ.

Tại trường cao đẳng ở bang Washington, sinh viên quốc tế phải trả khoảng 10.000 đô la một năm học phí, trong khi sinh viên trong tiểu bang phải trả khoảng 5.000 đô la.

Trường cao đẳng ở Port Angeles, Washington đã giảm 25% số lượng sinh viên quốc tế trong 2 năm qua. Trường cũng phải cắt giảm 13 vị trí và hủy các chương trình do thâm hụt 800.000 đô la, chủ yếu là do thu hẹp số lượng sinh viên ghi danh học

Luke Robins, Chủ tịch của Peninsula College cho rằng, một số yếu tố góp phần vào sự suy giảm, bao gồm đồng đô la Mỹ đang ở mức cao gần như lịch sử so với các loại tiền tệ khác. Điều này có thể đã khuyến khích sinh viên quốc tế chọn các quốc gia khác trên Hoa Kỳ.

“Nhưng yếu tố quan trọng nhất là chính trị”, Jack Huls - Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ sinh viên tại Peninsula College nói. Ở những quốc gia mà trường có truyền thống tuyển sinh quốc tế mạnh mẽ, ví dụ như Trung Quốc, việc sinh viên lấy visa trở nên khó khăn hơn.

“Trong khi, các quốc gia như Canada, Úc và Trung Quốc đã phát triển các chiến lược để thu hút các sinh viên tới học”, Banks nói.

Trường Giang (Theo CNN Business)

Du học sinh Việt Nam đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ

Du học sinh Việt Nam đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ

 - Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) được công bố mới đây, số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng 18 năm liên tiếp. Sinh viên Việt Nam cũng đóng góp gần 1 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.